Dịch bệnh bùng nổ tại Trung Quốc khiến nền kinh tế số 2 thế giới lao đao. Thế giới cũng chịu những ảnh hưởng khôn lường. Trong khi đó, nước Mỹ dưới thời ông Donald Trump đang mạnh hơn bao giờ hết.
Trung Quốc chao đảo, thế giới gặp khó
Thị trường tài chính thế giới trong những ngày vừa qua biến động khôn lường. Giá vàng chỉ hạ nhiệt được vài phiên đã nhanh chóng tăng nhanh lên trên ngưỡng 1.570 USD/ounce. Giá dầu giảm phiên thứ 5 liên tiếp trong bối cảnh dịch bệnh bùng nổ.
Những số liệu mới nhất cho thấy, số người nhiễm dịch viêm phổi cấp do virus Corona đã lên tới 35 ngàn người, số người chết cũng trên 720 người, sắp vượt qua thảm kịch dịch viêm đường hô hấp cấp SARS hồi năm 2003.
Trong khi dịch bệnh hoành hành tại Trung Quốc thì nền kinh tế số 2 thế giới ngừng trệ. Vài chục ngàn chuyến bay đã bị hủy bỏ. Hàng loạt các thành phố bị phong tỏa, cấm đi lại và tình trạng này được dự báo sẽ còn kéo dài bởi chưa có dấu hiệu dịch lập đỉnh, số lượng người nhiễm vẫn gia tăng mạnh... khiến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đều gặp khó khăn.
Trung Quốc thắt chặt phong tỏa thành phố Vũ Hán trong cuộc chiến chống Coronavirus. (Ảnh; NYT) |
Theo CNBC, sau cuộc khủng hoảng thịt lợn do dịch tả Châu Phi, thì người nông dân Trung Quốc đang đối mặt với một thảm họa mới với khả năng hàng trăm triệu gia cầm có thể chết đói vì virus Vũ Hán do lệnh phong tỏa làm hàng loạt chuỗi cung ứng nước này đóng băng. Hoạt động vận tải tác nghẽn khiến các loại thức ăn không thể đến được với người chăn nuôi.
Những tác động đối với kinh tế Trung Quốc cũng có thể thấy được qua lượng dầu nước nhập, theo Bloomberg, tụt giảm 3 triệu thùng mỗi ngày, tương đương khoảng 20% mức tiêu thụ và là mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc (Sinopec) đã giảm lượng lọc dầu thô lớn nhất trong một thập niên qua, giảm 12%, tương đương 600.000 thùng/ngày. Giá dầu thô do vậy cũng đã xuống dưới ngưỡng 50 USD/thùng.
Sau những ảnh hưởng lớn từ cuộc chiến thương mại với Mỹ (khiến tăng tăng trưởng GDP năm 2019 xuống mức thấp gần 30 năm), nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ chứng kiến tăng trưởng suy giảm mạnh hơn nữa vì virus Corona.
Nền kinh tế Trung Quốc tê liệt. Hàng trăm triệu gia cầm có thể bị chết đói. |
Dòng vốn đầu tư nước ngoài rót vào nước này vốn đã bị rút ra mạnh do cuộc chiến Mỹ-Trung thì giờ đây ngừng trệ. Hàng loạt các công ty nước ngoài đang làm ăn ở thị trường Trung Quốc cũng đã phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động như: Starbucks, Apple, Tesla…
Trong một động thái mới nhất, Trung Quốc đã công bố một loạt biện pháp hỗ trợ các DN trong nước, bao gồm giảm hoặc miễn tiền thuê mặt bằng và hỗ trợ tài chính cho các DN vừa và nhỏ (SMEs) nhằm giảm tác động của dịch cúm Corona. Chính quyền Bắc Kinh cũng đề nghị tăng hỗ trợ tài chính cho các DN đang gặp khó khăn, đồng thời gia hạn thời gian trả nợ các khoản vay trước đây đối với các công ty này. Trước đó, Trung Quốc cũng đã bơm hàng trăm tỷ USD vào thị trường để hỗ trợ nền kinh tế.
Còn với thế giới, ảnh hưởng từ Trung Quốc cũng rất lớn.
Nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc tụt giảm do dịch Corona đã gây ra tình trạng báo động đối với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Tổ chức này cùng với Nga đã có cuộc họp khẩn để thỏa luận về khả năng cắt giảm nguồn cung. Tuy nhiên, quyết định cắt giảm cũng không phải dễ dàng bởi nhiều nước trong đó có Nga phụ thuộc nặng nề vào việc xuất khẩu mặt hàng này.
Nhiều nền kinh tế châu Á cũng chịu thiệt hại nặng nề do giảm buôn bán giao thương với Trung Quốc, phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc, phụ thuộc vào khách du lịch Trung Quốc…
Bịch bệnh tại Trung Quốc khiến các nước OPEC xung đột lợi ích. |
Đồng baht của Thái Lan từ một đồng tiền mạnh nhất châu Á, thành yếu nhất do đã mất 4,1% trong hơn 1 tháng đầu năm, vì virus Corona. Đây là một khó khăn thực sự với Thái Lan bởi nền kinh tế nước này phụ thuộc lớn vào xuất khẩu và du lịch, trong khi dư địa chính sách tiền tệ gần như không còn, lãi suất cơ bản đã ở mức thấp nhất mọi thời đại.
Màn bùng nổ của nước Mỹ
Trong khi Trung Quốc chao đảo với dịch bệnh, thế giới cũng ảnh hưởng nặng nền thì thị trường tài chính Mỹ dưới thời ông Donald Trump diễn biến khá tích cực: chứng khoán bùng nổ, chỉ số kinh tế tốt đẹp, doanh nghiệp kinh doanh ấn tượng.
Liên tiếp trong những ngày qua, thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ tăng điểm và lập những kỷ lục mới. Trong phiên 6/2, chứng khoán Mỹ ghi nhận phiên tăng thứ 4 liên tiếp bất chấp dịch bệnh viêm phối cấp do virus corona lan rộng và đe dọa nền kinh tế Trung Quốc.
Các chỉ số chứng khoán công nghiệp Dow Jones, công nghệ Nasdaq Composite và chỉ số tầm rộng S&P… đều đã lên những mức cao lịch sử mới. Các cổ phiếu như Microsoft, Boeing, Tesla… hay loạt cổ phiếu ngành dược của Mỹ đều tăng mạnh.
Trung Quốc giữa bão tố, Donald Trump đưa nước Mỹ lên đỉnh lịch sử. Chỉ số Nasdaq Feb 5 2020. |
Chứng khoán Mỹ đã lấy lại toàn bộ những gì đã đánh mất trước đó và là động lực thúc đẩy chứng khoán châu Á. Tính chung trong cả tuần qua (kết thúc 7/2), chỉ số Dow Jones và S&P 500 tăng 3% trong khi Nasdaq Composite tăng 4%.
Hàng loạt các cổ phiếu lớn của Mỹ như Apple, Amazon và Microsoft, Google nối đuôi nhau đạt mốc ngàn tỷ USD. Quy mô của các ông lớn này ngày càng phình nở và trong những ngày qua đã lên mức rất cao.
Nếu như hồi cuối tháng 4/2019, tập đoàn công nghệ Microsoft của tỷ phú Bill Gates chính thức trở thành công ty có vốn hóa 1.000 tỷ USD do cổ phiếu tăng lên trên 130 USD/cp, thì tới cuối tuần qua (7/2) cổ phiếu Microsoft đã lên 184 USD/cp và vốn hóa đã là 1,4 ngàn tỷ USD.
Cổ phiếu công nghệ Mỹ không ngừng tăng giá. Alphabet (mẹ Google) là công ty thứ 4 của Mỹ lọt top ngàn tỷ USD. |
Cũng trong năm 2019, hồi giữa tháng 9, Apple đã bất ngờ lấy lại được mốc vốn hóa 1.000 tỷ USD sau khi cổ phiếu tăng lên trên ngưỡng 220 USD. Cho tới thời điểm hiện tại, cổ phiếu Apple đã tăng lên trên 320 USD với vốn hóa đạt 1,4 ngàn tỷ USD
Cả cổ phiếu Amazon và Tập đoàn Alphabet (Google) cũng đều tăng mạnh và có vốn hóa đều đã vượt trên ngưỡng 1 ngàn tỷ USD.
Theo CNBC, kết quả lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ mạnh mẽ và dữ liệu kinh tế tích cực đã thúc đẩy các chỉ số chính leo cao. Và thị trường chứng khoán Mỹ liên tục lập các đỉnh cao lịch sử mới.
Một báo cáo từ FactSet cho thấy, hơn 60% công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy có 71% số công ty có lợi nhuận vượt qua dự báo từ các nhà phân tích. Tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận chung không cao, nhưng tốt hơn so với dự báo.
Về mặt dữ liệu kinh tế, báo cáo việc làm cho thấy nước Mỹ tạo ra thêm 225 ngàn việc làm trong tháng 1, cao hơn nhiều so với ước tính 158 ngàn việc làm trong cuộc thăm dò trước đó. Số người nộp xin trợ cấp thất nghiệp xuống mức thấp nhất 9 tháng. Trong khi lương tăng 3,1%, vượt kỳ vọng của các nhà phân tích.
Bên cạnh đó, những thông tin tích cực từ phía Trung Quốc cũng góp phần vào sự hưng phấn của giới đầu tư trên phố Wall.
Chính quyền Bắc Kinh vừa công bố sẽ giảm 50% thuế quan đối với một loạt hàng hóa Mỹ. Theo đó, từ ngày 14/2, Trung Quốc sẽ hạ thuế đối với hơn 1.700 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, trị giá 75 tỷ USD, như một phần trong thỏa thuận thương mại một phần giữa 2 nước gần đây.
M. Hà