Trung Quốc cần cải tổ. Suốt bao nhiêu lâu nay rất nhiều các chuyên gia kinh tế từ các tổ chức uy tín của thế giới như Ngân hàng Thế giới không ngừng khuyến nghị Trung Quốc nên nâng cao vai trò của thị trường và đồng thời tự do hóa hệ thống tài chính cũng như nhiều tổ chức khác đang thống trị nền kinh tế.
Họ mong muốn Trung Quốc thực hiện những biện pháp cải tổ sau: tự do hóa thương mại và đầu tư, giảm bớt kiểm soát tỷ giá đồng tiền và các biện pháp kiểm soát dòng vốn.
Theo lý giải của các tổ chức nước ngoài, các biện pháp trên đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết vấn đề lớn nhất mà Trung Quốc đang đối mặt: Nợ nần. Nợ của Trung Quốc tính đến hiện tại đã vượt mức 260% GDP từ mức 165% GDP vào năm 2008, tức cách đây khoảng 10 năm.
Tốc mộ và quy mô mở rộng tín dụng không khỏi khiến người ta lo ngại về khả năng khủng hoảng tài chính, dù chính Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, ông Chu Tiểu Xuyên, mới đây đã bác bỏ khả năng này.
Người ta hy vọng các biện pháp cải tổ sẽ giúp năng suất lao động tại Trung Quốc tăng đủ cao để giúp Trung Quốc giải quyết được gánh nặng nợ nần trước khi nó trở nên tồi tệ hơn và trở thành khủng hoảng.
Tuy nhiên, logic mà các chuyên gia nghiên cứu nước ngoài đưa ra không đúng bởi nhiều lý do: thứ nhất, Trung Quốc sẽ không trải qua khủng hoảng tài chính bởi Ngân hàng Trung ương nước này thừa khả năng cơ cấu lại nợ của lĩnh vực ngân hàng.
Thứ hai, rủi ro thực sự của kinh tế Trung Quốc nằm ở chỗ khác. Một khi gánh nặng nợ nần của Trung Quốc trở nên quá lớn để có thể khiến người ta lo lắng về tương lai của lĩnh vực ngân hàng, nợ này sẽ cản trở kinh tế tăng trưởng. Nhiều chuyên gia kinh tế không hiểu điều đó.
Trong lịch sử thế giới hai thế kỷ qua, có quá nhiều trường hợp khi mà chính phủ của những nước nợ nần quá nhiều cam kết thực thi các biện pháp tự do hóa, nhưng cuối cùng tất cả đều thất bại.
Chính phủ của những nước từng nợ nần nhiều có không ít cách để giải quyết vấn đề nợ nần. Mexico tái cấu trúc các khoản nợ, đẩy chi phí về phía những chủ nợ. Chính phủ Đức cũng giải quyết các khoản nợ bằng cách đẩy chi phí về phía những người về hưu và một số đối tượng khác có thu nhập cố định. Một thập kỷ trước, Trung Quốc cũng đẩy chi phí các khoản nợ về phía người dân bằng cách đưa ra lãi suất thực âm.
Nếu Trung Quốc vẫn muốn duy trì tăng trưởng kinh tế, chắc chắn Trung Quốc cần phải tìm cách giảm được nợ. Cách hợp lý nhất để làm điều này chính là việc buộc chính quyền các địa phương thanh lý tài sản và sử dụng một phần tiền đó giải quyết các khoản nợ.
Ngoài ra, các biện pháp đó cũng sẽ giúp cho Trung Quốc giảm phụ thuộc vào các khoản đầu tư bên ngoài bằng cách chuyển bớt tài sản từ các chính quyền sang phía người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng có thể tiêu dùng nhiều hơn.
Bằng cách nào đi chăng nữa, giảm nợ là yếu tố tiên quyết giúp kinh tế tăng trưởng cao hơn. Có nhiều nước dù đã tránh được khủng hoảng tài chính nhưng vẫn phải cố gắng giảm nợ trong bối cảnh nhiều thập kỷ tăng trưởng thấp, có thể kể đến Nga trong hai thập kỷ sau năm 1967 và Nhật trong hai thập kỷ sau năm 1990.
Trung Quốc tránh được khủng hoảng tài chính chủ yếu bởi hệ thống ngân hàng Trung Quốc khép kín và các nhà quản lý có thể dễ dàng tái cấu trúc các khoản nợ. Việc giỡ bỏ đi hạn chế về các dòng vốn sẽ lấy đi của chính phủ nước này vũ khí quan trọng nhằm bảo vệ cho Trung Quốc khỏi các cuộc khủng hoảng.
Thay vì bỏ đi các biện pháp kiểm soát giúp bảo vệ cho Trung Quốc khỏi cuộc khủng hoảng tài chính, các nhà lãnh đạo cần phải nhanh chóng tìm các biện pháp giảm nợ. Một Trung Quốc tự do hơn sẽ cần thiết nhưng chỉ khi nào Trung Quốc đã có thể giải quyết được các khoản nợ của mình.