Trung Quốc khuyến khích tìm 'việc làm linh hoạt' để cứu thị trường lao động khỏi khủng hoảng: Thành công hay thành tích?

21/08/2020 11:54
Nhiều lao động gặp khó khăn ở Trung Quốc đã phải tìm đến những công việc bán thời gian như mở quầy hàng rong hay phụ hồ để kiếm sống. Tuy nhiên, khi mùa đông đến, nhiều cửa hàng ngoài trời sẽ không thể trụ vững và biến mất, nhóm lao động thu nhập thấp và trung bình cũng không thể kiếm tiền.

Hồi tháng 6. Qiu Xiaogang đã quyết định đóng cửa cửa hàng Happy Noddle của mình ở gần đường cao tốc tại khu Nội Mông. Sau đó, anh chuyển sang mở một quầy thịt xiên nướng trên vỉa hè. Đây là lần thứ 2 trong năm anh phải đóng cửa, lần đầu tiên là do lệnh phong tỏa do dịch bệnh. Để kiếm sống, Qiu tạm thời phải làm việc tại một công trường xây dựng, bê gạch với thù lao khoảng 200 tệ (29 USD)/ngày.

Sau khi các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ vào tháng 5, cửa hàng của anh được mở cửa trở lại, nhưng số tiền thu được quá ít so với 60.000 tệ (8.663 USD) mà anh đã mất trước đó. Không có nhiều lựa chọn, vợ chồng anh Qiu buộc phải dựng quầy hàng nhỏ trong công viên theo chỉ định của chính phủ. Họ bán thịt xiên cả ngày và tháng trước kiếm được 10.000 tệ (1.440 USD).

Chính phủ nỗ lực cứu thị trường lao động 

Trước đây, người bán hàng rong thường chịu sự kiểm soát gắt gao của chính quyền trung ương, nhưng trong những tháng dịch bệnh bùng phát, họ lại trở thành yếu tố quan trọng trong một thị trường việc làm không ổn định. Chiến lược mới nhất của chính phủ Trung Quốc nhằm giảm bớt áp lực về tình trạng thất nghiệp là khuyến khích người dân mở cửa hàng nhỏ trên phố, tạo việc làm bán thời gian trong các lĩnh vực như bán lẻ, xây dựng, dịch vụ cộng đồng và giải trí trực tuyến.

Việc làm linh hoạt (flexible employment) đã trở thành một cụm từ phổ biến trong những chính sách mới nhất của chính phủ Trung Quốc. Cụm từ này có định nghĩa rộng, trong đó bao gồm cả những lao động không đi làm toàn thời gian. Nhóm này có thể bao gồm gia sư, nhân viên giao đồ ăn, tài xế công nghệ hay người bán đồ ăn trên phố.

Trong tháng này, Bắc Kinh ước tính có khoảng 200 triệu lao động linh hoạt trong nước. Con số này gần bằng với số lượng lao động tự do theo ước tính của một số nhà kinh tế. Một nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh vào đầu năm nay cho thấy Trung Quốc có hơn 97 triệu hộ gia đình tự kinh doanh, tạo ra khoảng 230 triệu việc làm.

Dù vẫn chưa rõ liệu cuộc khảo sát thất nghiệp do Cục Thống kê Quốc gia (NBS) thực hiện hàng tháng có phân loại nhóm lao động này hay không, nhưng người dân được coi là có việc làm miễn là họ làm việc ít nhất 1 giờ/tuần. Trong tháng 7, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này đã ở mức 5,7%, không thay đổi so với tháng 6. Tuy nhiên, vào cuối tháng 6, số lượng lao động tự do đã thấp hơn 3% so với đầu năm nay.

Raymond Yeung – kinh tế gia trưởng Trung Quốc tại ANZ, nhận định: "Vấn đề là tỷ lệ thất nghiệp không thể phản ánh áp lực việc làm nói chung. Nếu bạn làm việc bán thời gian, có thể bạn không thuộc nhóm được khảo sát. Nhưng áp lực về tiền lương vẫn cao vì bạn không tạo ra đủ việc làm. Nếu không có đủ việc làm, những chỉ báo hàng đầu cũng không thể phản ánh áp lực chung."

Các kinh tế gia của JD Digits – bộ phận nghiên cứu của JD.com, gần đây đã tìm hiểu số liệu về người dùng trang web của họ với mức thu nhập dưới 10.000 tệ. Họ nhận thấy rằng tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm thu nhập thấp và trung bình cao gấp đôi số liệu NBS báo cáo hồi tháng 6. Thu nhập của họ càng thấp thì khả năng thất nghiệp càng cao.

Mờ ám xung quanh hành động khai báo số lượng việc làm của các trường đại học 

Trong khi đó, trước đây, các trường đại học và cao đẳng của Trung Quốc đã sử dụng việc làm linh hoạt để che giấu tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên đã tốt nghiệp. Một số sinh viên không tìm được việc đã được yêu cầu tự nhận mình là lao động linh hoạt để giúp nâng cao số liệu sinh viên ra trường có việc làm – yếu tố gắn chặt với kinh phí và việc tuyển sinh.

Năm nay, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã mở rộng định nghĩa và "freelancer" (cũng thuộc nhóm lao động linh hoạt) – bao gồm các blogger, người làm quảng cáo trực tuyết và các game thủ, trong bối cảnh 8,74 triệu sinh viên tốt nghiệp sẽ đối mặt với một thị trường làm việc gặp nhiều khó khăn.

Cuối tháng 6, một bản tin từ Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc cho biết chính phủ đã cấm các trường ép sinh viên ký hợp đồng lao động giả. Chủ đề này đã được bàn luận rất sôi nổi trên Weibo, với hàng chục nghìn bình luận. Một "top comment" chia sẻ: "Tôi bị ‘dội bom’ tin nhắn mỗi ngày, với nội dung đe dọa rằng sẽ không nhận được bằng tốt nghiệp. Vị giáo viên thậm chí còn nói rằng nếu tôi không tìm được việc làm, cô ấy có thể giúp tôi làm hợp đồng lao động giả."

Theo quan điểm của Bắc Kinh, tình trạng thất nghiệp đối với sinh viên mới tốt nghiệp dường như được ưu tiên cao hơn so với lượng lớn lao động nhập cư bị sa thải trong thời gian đại dịch bùng phát.

Trang tuyển dụng Zhaopin cho biết, loại trừ một số đăng ký học bằng thạc sĩ trở lên, việc làm mới của chính phủ và những nhà sáng lập start-up, vẫn còn khoảng 5,9 triệu sinh viên tốt nghiệp đang tìm việc trong một thị trường đang bị co hẹp. Hơn nữa, con số đó còn chưa bao gồm số sinh viên tốt nghiệp vào năm tới và dự định tìm việc vào mùa thu này.

Chen Sisi – sinh viên vừa tốt nghiệp với bằng cử nhân marketing tại một đại học ở Hắc Long Giang, vẫn đang tìm kiếm một công việc toàn thời gian tại công ty công nghệ lớn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm hoặc ngừng tuyển dụng nhân viên. Do đó, cô gái trẻ đã khai báo mình là "nhân viên truyền thông tự do" theo gợi ý của trường.

Không tìm được việc ở những công ty lớn và trải qua một vài lần bị các công ty nhỏ lừa đảo, vào tháng 7, cô đã chia sẻ sự khó khăn trên trang blog. Trong một đoạn video ngắn, Chen nói: "Tất cả những gì tôi muốn là một công việc tại một công ty lớn. Công việc đơn giản là được, miễn là không phải là dịch vụ khách hàng hoặc đánh giá nội dung. Ngay cả doanh nghiệp nước ngoài, tôi cũng nhận việc."

Trong một văn bản chính sách phát hành hồi tháng 7, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã huy động các bộ hỗ trợ việc làm mới bằng cách nới lỏng một số quy định, NBS được giao nhiệm vụ theo dõi những chỉ báo mới để nắm bắt số liệu việc làm mới này. Theo Yeung đến từ ANZ, đây như "một mũi tên trúng 2 đích, văn bản không trực tiếp chỉ ra áp lực thất nghiệp do đại dịch, đó là chiến lược dài hạn hơn để chuyển đổi nền kinh tế".

Về cơ bản, chính quyền các địa phương đã thực hiện nhiều hướng tiếp cận để thúc đẩy việc làm linh hoạt, ví dụ như bán hàng rong trên phố. Tuy nhiên, ở thủ đô Bắc Kinh, việc buôn bán trên phố lại không được ủng hộ vì nhiều ý kiến cho rằng việc này sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực cải thiện hình ảnh của thành phố.

Quay trở lại vùng Nội Nông, nơi vợ chồng anh Qiu bán thịt xiên, anh phải đóng 300 tệ (43 USD)/tháng để mở quầy hàng trong công viên. Chính quyền cũng gợi ý một số xe đẩy có gắn đèn led, nhưng có giá tới 30.000 tệ nên rất ít người sử dụng. Đối với Qiu, bán đồ ăn trên phố chỉ là một kế hoạch ngắn hạn. Công việc này sẽ rất khó khăn vào mùa đông, khi miền bắc cực kỳ lạnh giá.

Do đó, với thu nhập từ quầy thịt xiên, anh dự định sẽ tiếp tục mở cửa Happy Noodle. Anh chia sẻ: "Tôi đã bắt đầu lên kế hoạch cho mùa đông. Trời lạnh và dùng đồ ăn trên phố sẽ không ngon. Tôi đang cân nhắc sẽ đưa ít nhất 20 món ăn lên ứng dụng giao đồ ăn."

Tham khảo SCMP

Tin mới

Thông tin mới nhất về khách hàng mua iPhone 16 Promax nhận hộp không
3 giờ trước
Từ khi xảy ra vụ việc đến nay, phía Apple Việt Nam chưa đưa ra lời giải thích chính thức.
Tôm hùm Việt Nam trở lại vị thế hàng đầu tại thị trường Trung Quốc
3 giờ trước
Sản lượng tôm hùm Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc đã quay trở lại mức cao, sau khi giảm mạnh vào năm ngoái.
Thứ trưởng Bộ Công Thương: "Tôi cũng giật mình vì giá hàng hóa trên Temu"
4 giờ trước
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định các sàn thương mại điện tử nước ngoài khi vào Việt Nam đều phải đăng ký theo quy định.
Skoda mang 6 mẫu xe mới đến Vietnam Motor Show
4 giờ trước
Sự hiện diện của Skoda tại VMS 2024 là lời khẳng định cho cam kết đầu tư lâu dài tại thị trường Việt Nam.
Subaru Crosstrek ra mắt tại Việt Nam – đối đầu Toyota Corolla Cross, giá bán từ 1,1 tỷ đồng
4 giờ trước
Điểm nhấn của Subaru Crosstrek là động cơ hybrid và hệ dẫn động AWD lần đầu xuất hiện trong phân khúc. Tuy nhiên, giá bán của xe cũng cao hơn nhiều so với đối thủ.

Tin cùng chuyên mục

“FWD Care - Chăm sóc phục hồi” hỗ trợ chăm sóc thể chất và tinh thần miễn phí
2 ngày trước
Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam tiếp tục mang đến sự hỗ trợ thiết thực, thể hiện sâu sắc giá trị nhân văn và tầm nhìn dài hạn trong việc chăm sóc khách hàng thông qua chương trình “FWD Care - Chăm sóc phục hồi” giai đoạn 2024 - 2025.
Loạt tính năng đặc biệt trên Lotus Chat - ứng dụng thuần Việt an toàn, bảo mật và tối ưu cho người dùng
2 ngày trước
Ra đời với 4 trụ cột gồm an toàn trên mạng, chủ động bảo vệ người dùng, hỗ trợ công việc hiệu quả và luôn hỗ trợ mọi lúc mọi nơi ứng dụng chat "made in Việt Nam" Lotus đang được đông đảo người dùng tìm hiểu và trải nghiệm.
Giá USD hôm nay 21/10: Tỷ giá "chợ đen" cao hơn ngân hàng 440 đồng
3 ngày trước
Giá USD hôm nay 21/10: Tỷ giá USD/VND niêm yết trên thị trường tự do sáng nay đứng ở mức 25.260 – 25.360 VND/USD. So với ngân hàng, giá USD mua và bán trên thị trường tự do cao hơn 440 VND/USD.
iPhone đang ngày càng "mất giá" hơn: Đã đến lúc chuyển sang mua điện thoại Samsung?
3 ngày trước
Trong khi Samsung ngày càng nâng cao giá trị điện thoại của mình thì iPhone đang ngày càng mất giá hơn so với trước.