Đồng nhân dân tệ "lên ngôi"?
Trung Quốc đang có kế hoạch sử dụng nhân dân tệ trong các giao dịch dầu mỏ với 6 quốc gia Trung Đông. Theo SMCP, các nhà phân tích thị trường dự báo động thái này sẽ thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong thương mại toàn cầu.
Điều đó có thể tạo ra nhiều thỏa thuận sử dụng đồng nhân dân tệ để lấy dầu mỏ hơn – phần lớn là để Trung Quốc có thể mua nhiên liệu mà không lo sự can thiệp của Mỹ.
Zhao Xijun, phó hiệu trưởng Trường Tài chính tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cho biết: "Trung Quốc và Trung Đông trước đây phải sử dụng đồng USD làm loại tiền tệ dài hạn. Nhưng giữa tình hình địa chính trị phức tạp và các biện pháp trừng phạt của Mỹ trong lĩnh vực tài chính, một số ít quốc gia đang xem xét liệu họ có thể sử dụng các loại tiền tệ khác để giải quyết các giao dịch dầu khí hay không."
Tuy nhiên, số lượng giao dịch bằng đồng nhân dân tệ sẽ tăng lên vì Trung Quốc - nước mua dầu lớn nhất thế giới - sẽ yêu cầu các nhà xuất khẩu sử dụng đồng tiền của họ, ông Zhao nói.
Ông cho biết các khu vực khác trên thế giới sẽ làm theo nếu thủ tục trao đổi nhân dân tệ thuận tiện và đồng tiền của Trung Quốc được coi là "an toàn" hơn đồng đô la. Trong số các ứng cử viên có Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore và một số quốc gia châu Âu.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Ả Rập hồi tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất thúc đẩy các thỏa thuận dầu khí bằng đồng nhân dân tệ với 6 quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh trong vòng 3 đến 5 năm tới.
Trung Quốc sẽ đưa thêm đồng nhân dân tệ vào Trung Đông, Tập đoàn Vốn Quốc tế Trung Quốc (CICC) cho biết trong một báo cáo nghiên cứu hôm 13/12. Nước này tiêu thụ trung bình khoảng 15,4 triệu thùng dầu mỗi ngày, chỉ sau Mỹ.
CICC cho biết: "Các thỏa thuận thương mại dầu mỏ đã giúp quốc tế hóa đồng USD và chúng tôi tin rằng việc kí kết các hợp đồng thương mại dầu bằng đồng nhân dân tệ cũng sẽ giúp quốc tế hóa loại tiền tệ này".
Thúc đẩy thương mại
Thương mại giữa Trung Quốc và thế giới Ả Rập đã tăng 1,5 lần trong 10 năm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mao Ning nói trong một cuộc họp báo vào tuần trước. Bà cho biết trong 3 quý đầu năm 2022, thương mại song phương đạt 319,3 tỷ USD, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Mao nói: "Thanh toán xuyên biên giới bằng nhân dân tệ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại giữa Trung Quốc và các quốc gia Ả Rập".
Tại Nga, đồng nhân dân tệ lần đầu tiên vượt qua đồng USD vào tháng 10 để trở thành ngoại tệ được giao dịch nhiều nhất trên sàn giao dịch Moscow.
Một chuyên gia đánh giá, Trung Quốc muốn sử dụng nhiều hơn đồng tiền của nước này để đảm bảo nguồn cung dầu trong trường hợp Mỹ nhắm mục tiêu tài chính vào Trung Quốc như một phần trong các tranh chấp chính trị và thương mại kéo dài giữa hai bên.
Ví dụ, Mỹ và các đồng minh đã loại Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng SWIFT vào tháng 3 sau chiến dịch đặc biệt tại Ukraine.
Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng điều này sẽ không thể thay thế được việc sử dụng đồng USD (hay petrodollar) hoặc thúc đẩy đáng kể việc sử dụng đồng nhân dân tệ bên ngoài các thị trường năng lượng.
Đồng nhân dân tệ sẽ không thể thay thế được đồng USD bởi các nhà xuất khẩu Trung Đông nhận thấy đồng tiền của Mỹ là cách dễ dàng nhất để họ đầu tư tiền thu được từ việc bán dầu. Các nước phương Tây và các nhà nhập khẩu ở châu Á bên ngoài Trung Quốc vẫn sử dụng rộng rãi đồng tiền này.
Chen Zhiwu, giáo sư khoa tài chính tại Đại học Hồng Kông, cho biết: "Còn một chặng đường dài trước khi chúng ta có thể nói rằng có một thứ được gọi là đồng nhân dân tệ dầu mỏ".
Một số chuyên gia cho rằng việc mở rộng sử dụng đồng nhân dân tệ để mua dầu và khí đốt ở Trung Đông có thể thúc đẩy đồng tiền tăng giá trong các lĩnh vực khác. Ông Zhao cho biết các đối tác thương mại có thể sử dụng đồng nhân dân tệ để mua thêm hàng hóa từ Trung Quốc hoặc đầu tư, kể cả vào cổ phiếu.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết năng lực toàn cầu của đồng tiền này sẽ ở mức thấp vì Trung Quốc muốn tiếp tục kiểm soát tỷ giá hối đoái quốc tế.
Một tỷ giá cố định sẽ đảm bảo thu nhập cho các thương nhân trong nước, đặc biệt là các nhà xuất khẩu hàng hóa sản xuất và giúp ổn định nền kinh tế Trung Quốc bằng cách tránh biến động tỷ giá hối đoái.
Jayant Menon, thành viên cấp cao của Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Khu vực của Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho biết: "Tôi không nghĩ họ quá lo lắng hay hào hứng với [việc nới lỏng kiểm soát]".