Dịch Covid-19 diễn ra với nhiều lần bùng dịch nghiêm trọng đã gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế. Tình hình xuất, nhập khẩu cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. TCTK nhận định, khi thực hiện biện pháp đóng cửa biên giới để phòng chống dịch, các nước có xu hướng sử dụng sản phẩm nội địa thay cho sản phẩm nhập khẩu.
Mặc dù tăng trưởng GDP năm 2021 chỉ đạt 2,58% nhưng hoạt động xuất nhập khẩu vẫn là một điểm sáng. Mặc dù nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, thương mại toàn cầu giảm sút, xuất nhập khẩu các nước đều giảm nhưng Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao.
Tháng 12/20211, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 66,2 tỷ USD, tăng 6% so với tháng trước, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 668,54 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 336,31 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 332,23 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2020.
Thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, kim ngạch đạt 96,3 tỷ USD. Bên cạnh đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 109,9 tỷ USD.
Mặc dù dịch Covid-19 diễn ra từ năm 2019, cán cân thương mại xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn thặng dư. Cụ thể, xuất siêu năm 2019 đạt 10,57 tỷ USD, năm 2020 đạt 19,94 tỷ USD.
Xuất siêu của Việt Nam giai đoạn 2017 – 2021. Nguồn: TCTK.
Hết năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa đạt xuất siêu 4,08 tỷ USD. So với năm 2020, xuất siêu năm 2021 chỉ bằng 20% nhưng nhờ vào mục tiêu của Chính phủ "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" đã giúp cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa phát triển ổn định.
Trước sự đứt gãy thương mại quốc tế toàn cầu, xuất, nhập khẩu của Việt Nam vẫn là điểm sáng của cả nền kinh tế. Từ đó giữ được đà tăng trưởng cho cả nền kinh tế.