Bộ Công thương cho biết, đầu tháng 9/2019, giá mủ cao su nguyên liệu tại Đắk Lắk tăng theo xu hướng của thị trường thế giới. Ngày 11/9/2019, giá thu mua mủ nước tại vườn và nhà máy tại Đắk Lắk đạt lần lượt 250 đ/độ TSC và 255 đ/độ TSC, tăng 25 đ/độ TSC so với cuối tháng 8/2019.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su trong tháng 8/2019 đạt 180,98 nghìn tấn, trị giá 244,04 triệu USD tăng 5,9% về lượng và tăng 12,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cao su đạt 962,15 nghìn tấn, trị giá 1,31 tỷ USD tăng 9,7% về lượng và tăng 7,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Giá xuất khẩu cao su trong tháng 8/2019 đạt bình quân 1.349 USD/tấn, giảm 3,6% so với tháng 7/2019, nhưng tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong tháng 8/2019, xuất khẩu cao su tăng nhờ xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ... tăng, trong khi xuất khẩu sang Ấn Độ, Malaysia... lại giảm. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, đạt 125,58 nghìn tấn, trị giá 166,12 triệu USD, tăng 18,3% về lượng và tăng 25,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc đạt 623,91 nghìn tấn, trị giá 842,94 triệu USD, tăng 11,3% về lượng và tăng 9,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Giá xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2019 đạt bình quân 1.351 USD/tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Bộ Công thương cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cao su sang hầu hết các thị trường chính tăng so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, có thể thấy mặc dù căng thẳng thương mại chưa có nhiều tác động đến xuất khẩu cao su của Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp cũng đã chủ động đa dạng hóa thị trường bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu sang Ấn Độ, Hàn Quốc...