Từ trung tâm công nghệ Zhongguancun ở Bắc Kinh với Baidu và Sina; Alibaba ở Hàng Châu, đến Tencent và Huawei ở Thâm Quyến, sự đổi mới và tinh thần khởi nghiệp trở thành một nhân tố then chốt của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Do đó, việc phát triển môi trường đầu tư là vô cùng quan trọng.
Đầu tiên, để thu hút các nhà đầu tư, chính quyền quyết định thử nghiệm các chính sách nhập cư và kinh doanh mới. Bắt đầu với việc loại bỏ hạn chế về lao động để khuyến khích đầu tư trong ngành công nghệ và dịch vụ tại Thượng Hải, thu hút nhân tài trong nước và nước ngoài đến Thượng Hải đầu tư khởi nghiệp, sau đó mở rộng chính sách này ra cả nước.
Chính quyền không chỉ xây dựng cơ sở sở hạ tầng cho các công ty khởi nghiệp mà còn thành lập các trường đại học nghiên cứu công nghệ, phòng thí nghiệm khoa học và các biện pháp khác để thu hút nhân tài trên toàn thế giới. Các chính sách nhanh chóng được đẩy mạnh, kêu gọi nới lỏng các yêu cầu về cư trú và bằng cấp giáo dục như là rào cản gia nhập thị trường kinh doanh của Trung Quốc. Các trang web quảng bá cũng được lập ra để xây dựng hình ảnh Trung Quốc như một trung tâm công nghệ và đổi mới với tác động toàn cầu.
Việc thúc đẩy xây dựng Trung Quốc thành một trung tâm công nghệ và đổi mới là một sáng kiến lớn để vươn lên những tầm cao mới trong lĩnh vực công nghệ có tác động toàn cầu. Sáng kiến có tên "Thực tại mới" (The New Reality) với mục tiêu cải cách toàn diện sâu sắc, thúc đẩy các chiến lược phát triển đang thúc đẩy đổi mới và nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh.
Theo truyền thống, phải mất nhiều năm để có được hộ khẩu cư trú tại một thành phố lớn như Thượng Hải và Bắc Kinh. Trung Quốc đã nới lỏng nhằm khuyến khích các nhà đầu tư và startup thuê những nhân tài giỏi nhất hiện có, tăng khả năng cạnh tranh của Trung Quốc và giảm bớt áp lực trong thị trường việc làm.
Bản thân chính quyền Trung Quốc cũng thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm của chính phủ trị giá 40 tỷ CNY (6,5 tỷ USD) để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong các ngành công nghiệp mới nổi. Quỹ đặt trọng tâm vào việc hỗ trợ khởi nghiệp trong các ngành công nghiệp mới nổi. Thị trường đầu tư mạo hiểm Trung Quốc trước đó là tương đối hạn chế vì chịu ảnh hưởng của kinh tế kế hoạch hóa tập trung, kinh tế tư nhân kém phát triển.
Từ năm 1992, Tập đoàn Đầu tư Khoa học & Công nghệ Thượng Hải và Công ty Đầu tư mạo hiểm Thượng Hải, hai công ty đầu tư mạo hiểm do chính phủ tài trợ đã được thành lập tại Thượng Hải. Mặc dù sau này có sự gia nhập của nhiều tổ chức quản lý đầu tư nước ngoài vào Thượng Hải, một số lượng lớn các quỹ đầu tư mạo hiểm địa phương cũng đã nổi lên trong các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp.
Trung Quốc có ưu đãi thuế riêng đối với các công ty đầu tư mạo hiểm (VCE) và các nhà đầu tư thiên thần (AI) đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ. Các ưu đãi dành cho VCE và AI được nêu chi tiết trong một thông tư chi tiết chung về chính sách thuế thí điểm do Bộ Tài chính Trung Quốc (MOF) và Cục Thuế Nhà nước (SAT) đưa ra.
Chính quyền thí điểm các chính sách thuế ở khu vực Bắc Kinh Thiên Tân - Hà Bắc, Thượng Hải, Khu công nghiệp Tô Châu, Vũ Hán, Thẩm Dương, tỉnh Quảng Đông, tỉnh An Huy và tỉnh Tứ Xuyên. VCE và AI đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ ở các khu vực này có thể tận dụng các ưu đãi thuế.
Kể từ ngày 1/1/2019, Trung Quốc cũng cho phép các đối tác của doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm có thể chọn nộp thuế thu nhập với mức thuế suất 20% từ chuyển nhượng vốn và cổ tức hoặc theo tỷ lệ lũy tiến từ 5% đến 35% trong trường hợp thu nhập của họ vượt quá một mức cụ thể.
Ông Wei Zhou, Founder và CEO của XNode - một nền tảng kết nối startup và các công ty công nghệ sáng tạo ở Thượng Hải cho biết: "Môi trường đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc đang trải qua một cuộc lột xác. Điều này mở ra cơ hội chưa từng có đối với các startup mang đến các giải pháp công nghệ có thể thương mại hóa tại thị trường Trung Quốc".