Trước đó, ngày 17/4, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã điện đàm với Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc nhằm khắc phục tình trạng ùn ứ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực biên giới Việt – Trung.
Trong buổi điện đàm này, các thỏa thuận đều đã đạt được, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Nghê Nhạc Phong và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn đều đã nhất trí khôi phục thời gian làm việc là 7h/ngày, hoạt động thông quan tại khu vực trên vào ngày nghỉ cuối tuần cũng được nối lại.
Bên cạnh đó, phía Trung Quốc cũng đề xuất thêm một số giải pháp khác như đơn giản hóa thủ tục kiểm tra đối với hàng nông sản, phân luồng hàng hóa sang các cửa khẩu khác, tăng cường nhập khẩu hàng nông sản qua cửa khẩu đường sắt Bằng Tường – Đồng Đăng.
Thông quan hàng hóa tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn.
Tuy nhiên đến ngày 22/4 (sau 5 ngày kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Công thương điện đàm và đạt được các thỏa thuận), tại các cửa khẩu Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam phía Trung Quốc vẫn chỉ làm việc 5h/ngày thay vì 7h/ngày; nghỉ làm ngày thứ Bảy và Chủ Nhật (18,19/4) thay vì làm cả 2 ngày cuối tuần như đã thỏa thuận. Điều này khiến lượng hàng hóa tồn đọng vẫn chưa thể xuất khẩu sang Trung Quốc.
Thứ Bảy ngày 18/4, phía Trung Quốc nghỉ cuối tuần nên hàng hóa Việt Nam không thể xuất khẩu.
Trao đổi với Dân Việt, ông Phan Hồng Tiến, Trưởng Ban quan lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết, đến ngày 22/4, thời gian thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, Chi Ma vẫn chỉ là 5h/ngày. Phía Trung Quốc chưa thực hiện làm việc 7h/ngày như thỏa thuận. Hiện, tại các cửa khẩu còn đang tồn 2.134 xe hàng, trong đó tại bến bãi phía Trung Quốc là 345 xe.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp, chủ hàng sau khi có các thông báo, khuyến nghị đã tạm dừng đưa xe lên cửa khẩu Lạng Sơn nên tình trạng ùn ứ hàng hóa không bị đẩy lên quá cao như nhiều ngày trước đó. Ngoài việc giờ giấc thông quan bị giảm khiến lượng xe xuất khẩu xuống thấp thì các cửa khẩu ở Lạng Sơn vẫn chưa giải quyết được triệt để việc lập đội lái xe chuyên trách chở hàng qua biên giới.
Vẫn xuất hiện tình trạng nhiều lái xe "hét giá" khiến chủ hàng phải bỏ ra trên 10 triệu đồng mới đưa được hàng qua biên giới. Hiện Ban quan lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đang triển khai các biện pháp tăng cường quản lý để không xuất hiện các thỏa thuận bên ngoài, khiến cho chủ hàng bị o ép về giá khi thuê lái xe.
Hàng hóa ùn ứ tại bến xe Tân Thanh chờ thông quan.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, Chủ Nhật (ngày 19/4), 3 cửa khẩu chính xuất khẩu nông sản Việt Nam, bao gồm: Tân Thanh, Cốc Nam, Chi Ma đều không phát sinh hoạt động xuất nhập khẩu do Trung Quốc nghỉ làm. Số lượng xe nông sản tồn tại 3 cửa khẩu này lần lượt là: Tân Thanh 769 xe nông sản hoa quả chờ xuất; Cốc Nam tồn 4 xe (da bò, thức ăn vật nuôi tạm nhập tái xuất) và Chi Ma tồn 362 xe.
Cửa khẩu Hữu Nghị hoạt động xuất nhập khẩu vẫn diễn ra bình thường với việc xuất 317 xe (nông sản, hoa quả, linh kiện điện tử, máy móc: bao gồm các loại hình xuất kinh doanh biên giới, xuất kinh doanh, xuất gia công, quá cảnh) và nhập 233 xe (linh kiện điện tử, máy móc, hàng may mặc, nông sản, giấy, sơ mi - rơ moóc, phụ tùng ô tô...) Tuy nhiên, lượng tồn đọng tại Hữu Nghị cũng khá cao, lên đến 501 xe chờ xuất gồm nông sản, linh kiện điện tử. Tổng số lượng xe tồn trên các cửa khẩu của Lạng Sơn vào cuối tuần vừa rồi là 1.636 xe và toa hàng.
Đến ngày 20/4, tổng số xe xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh có tăng nhẹ lên 916 xe, trong đó có 492 xe xuất khẩu (tăng 175 xe so với ngày 19/4), lượng xe tồn đọng có giảm nhẹ, còn 1.610 xe và toa hàng. Trong đó, lượng xe xuất ở cửa khẩu Hữu Nghị bị giảm mạnh xuống còn 279 xe (nông sản, hoa quả, linh kiện điện tử, máy móc).
Cửa khẩu hoạt động xuất khẩu trở lại: Tân Thanh xuất 69 xe (thanh long, dưa hấu, xoài, chuối...); cửa khẩu Chi Ma xuất 44 xe (tinh bột sắn, hạt tiêu, hải sản các loại). Số lượng xuất khẩu tại các cửa khẩu này chỉ bằng khoảng từ 10-15% so với cuối tháng 3. Số lượng xe xuất ở cửa khẩu Cốc Nam có cao hơn với 100 xe (mít, xoài) thông quan.