Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong tháng 6, kim ngạch nhập khẩu thép thành phẩm và bán thành phẩm của nước này là 4,4 triệu tấn, trong khi xuất khẩu đạt 3,7 triệu tấn.
Tháng 6 cũng là tháng nhập siêu thép đầu tiên của Trung Quốc kể từ khủng hoảng tài chính năm 2009. Lượng thép nhập khẩu từ Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam của Trung Quốc tăng trong tháng 6 khi Bắc Kinh đẩy mạnh các dự án hạ tầng và xây dựng nhằm khôi phục nền kinh tế trước tác động của đại dịch Covid-19. Trong tháng 6, Trung Quốc sản xuất 91,58 triệu tấn thép thô, hiện là nước sản xuất thép lớn nhất thế giới.
Lần đầu nhập siêu sau hơn 10 năm
Trung Quốc, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, vừa nhập khẩu ròng mặt hàng này lần đầu tiên kể từ năm 2009. Ảnh: Reuters.
Đà tăng đột biến trong nhu cầu thép tại Trung Quốc, đặc biệt là thép cuộn nóng dùng trong mọi ngành từ ôtô cho đến phôi thép trong xây dựng, được dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong tháng 7. Kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này được dự báo sẽ tăng lên 5,5 triệu tấn, theo một phân tích của S&P Global Platts dựa trên dữ liệu giao dịch tháng 5 và tháng 6.
Trong ngắn hạn, điều này sẽ giúp các công ty thép trong khu vực tiếp tục xuất khẩu được nhiều sản phẩm sang Trung Quốc, bù đắp phần nào nhu cầu yếu đối với mặt hàng này tại thị trường nội địa của họ. Tuy nhiên, theo S&P Global Platts, Trung Quốc chỉ tăng nhập khẩu thép từ các quốc gia trong khu vực châu Á và được dự báo sẽ không tìm kiếm thêm các nguồn nhập khẩu từ các quốc gia như Mỹ dù Bắc Kinh đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Washington.
Bên cạnh các dự án hạ tầng và xây dựng, nguyên nhân khiến cầu thép tại Trung Quốc tăng mạnh cũng xuất phát từ việc các nhà sản xuất nội địa đua nhau tích trữ hàng với dự báo nguồn cung thiếu hụt trong tương lai.Theo S&P Global Platts, việc này đã đẩy cầu lẫn giá thép lên cao. Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc cho hay trong tháng 6, tồn kho thép thành phẩm tại các nhà máy và trên các thị trường giao ngay ở 20 thành phố Trung Quốc đã tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, tại Trung Quốc, nhu cầu thép không chỉ đến từ lĩnh vực cơ sở hạ tầng và xây dựng mà còn đến từ hoạt động đóng tàu, sản xuất ôtô, thiết bị gia dụng, và tất cả các ngành này đều đang hồi phục mạnh mẽ sau làn sóng bùng phát Covid-19 đầu tiên, theo S&P Global Platts. Điều này đẩy nhu cầu tăng mạnh đối với thép cuộn nóng - dùng trong sản xuất máy móc, thiết bị gia dụng và ô tô; và phôi thép - sử dụng để làm thanh cốt thép trong xây dựng.
Lần gần đây nhất nhu cầu thép tại Trung Quốc có mức tăng tương tự như hiện tại là vào khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009, khi Trung Quốc nhập siêu thép để phục vụ cho chương trình kích cầu hạ tầng quy mô 4.000 tỷ NDT (586 tỷ USD). Khi đó, nước này xây dựng hàng loạt đường cao tốc, cầu, tàu viên đạn và nhà máy mới.
Nhu cầu thép tiếp tục tăng trong ngắn hạn
Trong quý II/2020, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 3,2%, cú lội ngược dòng ngoạn mục so với mức âm 6,8% trong quý I. Đầu tuần này, lợi nhuận của một vài công ty công nghiệp lớn của Trung Quốc báo tháng tăng thứ hai liên tiếp trong tháng 6, dù tổng lợi nhuận nửa đầu năm giảm.
Tồn kho thép thành phẩm tại Trung Quốc tăng mạnh do các nhà buôn tăng tích trữ với dự báo nhu cầu thiếu hụt trong tương lai. Ảnh: MySteel. |
|
“Kim ngạch nhập khẩu thép của Trung Quốc là điều đã được dự báo trước khi Trung Quốc là quốc gia đầu tiên mở cửa nền kinh tế trở lại sau thời gian phong tỏa phòng dịch Covid-19. Do đó, sự phục hồi kinh tế và nhu cầu thép tại nước này tạm thời vượt qua các thị trường nước ngoài, thu hút dòng thép từ các quốc gia khác”, các nhà phân tích của S&P Global Platts cho biết. “Quan trọng hơn là, các chính sách nới lỏng tiền tệ và tín dụng trong nửa đầu năm 2020 của Bắc Kinh đã thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực hạ tầng và xây dựng. Các nhà buôn thép đang đầu cơ mạnh với dự báo rằng nhu cầu sẽ còn tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm nay".
Theo hãng phân tích thị trường kim loại Trung Quốc Mysteel, lượng xuất khẩu trong tháng 6 của các nhà sản xuất thép nội địa trong giảm đáng kể do nhu cầu lao dốc trên thế giới khi hầu hết quốc gia đang vật lộn với việc mở lại nền kinh tế trong đại dịch. Đơn cử, 70% nhà sản xuất ôtô tại châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc - thường mua thép dẹt từ Trung Quốc, đều đã phải dừng hoặc cắt giảm một phần hoạt động sản xuất.
Nhu cầu thép yếu tại các thị trường ngoài Trung Quốc thể hiện rõ ở chênh lệch tới 50 USD/tấn thép giữa thị trường nội địa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới, theo Mysteel.
Nhu cầu thép mạnh tại Trung Quốc cũng đẩy kim ngạch nhập quặng sắt từ Australia tăng lên 7 tỷ USD trong tháng 6, theo dữ liệu sơ bộ từ Cục thống kê Australia. Xuất khẩu quặng sắt của Australia sang Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn bởi nhập khẩu thép của Bắc Kinh trong tháng 6 chỉ như “muối bỏ bể” so với tổng sản lượng thép của nước này, theo S&P Global Platts.
Trung Quốc cũng đang dọn đường để tăng sản xuất thép và nhập khẩu quặng sắt với việc mở 4 cảng biển mới có khả năng đón các tàu chở quặng sắt siêu lớn. Theo các nhà phân tích, động thái này có thể nhằm tăng nhập khẩu quặng sắt từ Brazil và châu Phi.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của Global Platts nhận định nhu cầu thép của Trung Quốc có thể không kéo dài lâu, đặc biệt là khi Bắc Kinh đang nỗ lực hạ nhiệt thị trường bất động sản đang tăng trưởng quá nóng. “Sang tháng 8, nhập khẩu thép của Trung Quốc có thể sẽ giảm xuống còn 2,8 triệu tấn khi các nhà nhập khẩu thận trọng hơn trước sự trở lại của dịch bệnh Covid-19 tại nước này và những trận mưa gây lũ lụt lịch sử đang kéo dài ở miền nam", S&P Global Platts nhận định.
Theo South China Morning Post