Sau khi có 1 năm tăng trưởng đầy ngoạn mục vào năm 2023, sầu riêng tiếp tục giữ vững vị thế trái cây vua khi dự kiến sẽ mang về 3,3 tỷ USD trong năm 2024, tăng hơn 1 tỷ USD so với năm 2023 và chiếm thị phần gần 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả.
Thành công này chủ yếu nhờ vào nhu cầu cao từ thị trường Trung Quốc, nơi sầu riêng được coi là trái cây xa xỉ và nguyên liệu sáng tạo trong ẩm thực. Cụ thể tính đến ngày 21/11, Trung Quốc vẫn là thị trường dẫn đầu về tiêu thụ sầu riêng Việt khi chiếm 90% tổng kim ngạch, tương đương hơn 2,8 tỷ USD và tăng 43% so với cùng kỳ 2023.
Thái Lan là thị trường tiêu thụ đứng thứ 2 với kim ngạch 177 triệu USD, tăng 82% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó thị trường Hong Kong, Nhật Bản cũng ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt 16% và 85% so với năm ngoái.
Mặc dù không phải là quốc gia nhập khẩu sầu riêng của Việt Nam nằm trong top đầu nhưng trong gần 1 năm qua, sản lượng sầu riêng xuất khẩu sang Campuchia lại tăng cực mạnh, tăng 139 lần, đạt gần 3 triệu USD.
Đáng chú ý bên cạnh nguồn cung trong nước, nước ta cũng đang tăng mạnh nhập khẩu sầu riêng từ đầu năm đến nay. Trong 11 tháng, Việt Nam chi hơn 12,1 triệu USD để nhập khẩu vua trái cây từ Thái Lan và Malaysia, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ 2023 . Chỉ riêng tháng 11 năm 2024, Việt Nam chi 3 triệu USD nhập khẩu sầu riêng , cao gấp 11 lần so với cùng kỳ 2023.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cả nước hiện có khoảng 131.000 ha sầu riêng , bình quân mỗi năm tăng khoảng 24%, tương đương khoảng 27.000 ha. Đây là cây trồng có tỷ lệ tăng cao nhất trong các cây trồng chủ lực của Việt Nam những năm qua.
Sầu riêng tập trung ở 4 vùng, trong đó, Tây Nguyên có diện tích bằng 46,7% diện tích và 39,6% sản lượng của cả nước. Các vùng trồng sầu riêng lớn khác bao gồm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam bộ và vùng Duyên hải Nam Trung bộ.
So với Thái Lan và nhiều nước khác, Việt Nam có lợi thế mùa vụ thu hoạch quanh năm, luôn có hàng để xuất sang Trung Quốc. Cụ thể, từ tháng 3 đến tháng 5 là giai đoạn thu chính vụ của sầu riêng ở miền Tây. Tháng 4 đến tháng 7 là vụ thu hoạch chính ở các tỉnh miền Đông. Tháng 5 đến tháng 7 là mùa sầu riêng thu hoạch chính vụ ở Tây Ninh và Bình Phước. Tháng 7 đến tháng 8 là thời điểm thu hoạch chính vụ ở Đắc Lắc và tiếp tục thay phiên các khu vực thu hoạch cho đến tháng 3 năm sau
Tại Thái Lan, quốc gia này có 4 vùng trồng sầu riêng chính là vùng phía Bắc, vùng Đông Bắc, vùng Trung tâm và vùng Phía Nam. Năng suất sầu riêng Thái Lan trung bình chỉ đạt 6,5 tấn/ha và mùa sầu riêng chỉ kéo dài vỏn vẹn từ tháng 3 đến tháng 6.
Triển vọng xuất khẩu sầu riêng trong năm 2025 được đánh giá rất tích cực khi Trung Quốc chính thức mở cửa cho các sản phẩm sầu riêng chế biến sẵn như sầu riêng xay nhuyễn và cơm sầu riêng . Theo dự báo, năm 2025, xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam có thể đạt mốc 8 tỷ USD và tiến tới 10 tỷ USD vào năm 2030.