Ngân hàng trung ương của Trung Quốc (PBoC) đã đưa ra dự thảo tư vấn cho Ủy ban chống độc quyền của Hội đồng Nhà nước, nhằm ngăn chặn các công ty lạm dụng vị trí thống trị của họ, hoặc thậm chí giải thể một tổ chức phi ngân hàng nếu nó "cản trở nghiêm trọng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường dịch vụ thanh toán".
Cho đến nay, Trung Quốc có 233 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp giải pháp thanh toán phi ngân hàng, nhưng theo báo cáo của công ty tư vấn iResearch, thống trị về giao dịch trực tuyến hiện nay chỉ có hai doanh nghiệp là Alipay và WeChat Pay.
Các quy tắc được đề xuất của PBOC trùng hợp với giai đoạn chính quyền Bắc Kinh siết chặt hơn các hoạt động tài chính của các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.
Sự giám sát kỹ lưỡng này đã dẫn đến sự sụp đổ đáng kể của đợt IPO trị giá 37 tỷ USD của gã khổng lồ fintech Ant Group vào tháng 11/2020. Việc dừng IPO trị giá 35 tỉ USD của Ant là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy Trung Quốc siết chặt quản lý với ngành công nghiệp có ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của hàng trăm triệu người.
Cuối tháng 12/2020, Cơ quan Giám sát thị trường Trung Quốc (SAMR) thông báo điều tra về các "hành vi độc quyền" của đế chế trăm tỷ USD - Alibaba của tỷ phú Jack Ma.
Nhiều năm qua, Alibaba và nhiều tập đoàn thương mại điện tử lớn khác ở Trung Quốc thường sử dụng chiến thuật "chọn một trong hai" trong kinh doanh.
Cụ thể, trong trường hợp của Alibaba , công ty này dính cáo buộc "chống độc quyền" do ép người bán hàng phải bán sản phẩm độc quyền trên nền tảng của họ. Nếu người vừa đăng sản phẩm lên nền tảng của Alibaba, vừa đăng sản phẩm lên một nền tảng khác có thể sẽ bị trừng phạt bằng cách chặn lượt truy cập.
Theo tờ Global Times, việc SAMR tiến hành một cuộc điều tra "chống độc quyền" đối với gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba do tỷ phú Jack Ma sáng lập, được đánh giá là động thái nhằm chấn chỉnh trật tự thị trường và tạo điều kiện tự do, công bằng và môi trường kinh doanh không phân biệt đối xử.
Liu Xu, một nhà nghiên cứu tại Viện Chiến lược Quốc gia thuộc Đại học Thanh Hoa, cho biết: "Ngành tài chính ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ thông tin, dẫn đến việc tăng cường các nỗ lực chống độc quyền trong lĩnh vực này ngày càng cấp bách".
PBoC sẽ tổ chức các cuộc đàm phán với các tổ chức về sự thống trị thị trường của họ khi thị phần của một doanh nghiệp duy nhất đạt đến một phần ba trong tổng ngành thanh toán phi ngân hàng hoặc khi thị phần của hai doanh nghiệp kết hợp đạt một nửa tổng số.
Nó cũng sẽ xác định các tổ chức là có độc quyền sau khi một doanh nghiệp thu hút hơn một nửa thị trường trong thanh toán điện tử trên toàn quốc, bao gồm cả thanh toán ngân hàng trực tuyến và di động.
Các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán phi ngân hàng cũng phải tuân thủ các yêu cầu về chống rửa tiền và chống khủng bố của PBOC. Nếu những điều này bị vi phạm nghiêm trọng, Ngân hàng Trung ương có thể thu hồi giấy phép của doanh nghiệp theo các quy định mới.
"Các quy tắc sẽ thiết lập một khuôn khổ cho sự hợp tác trong tương lai giữa các cơ quan quản lý tài chính và cơ quan thực thi pháp luật", Liu, người ủng hộ lâu năm cho việc thực thi chống độc quyền, cho biết.
Để chống lại rủi ro hệ thống, Ngân hàng Trung ương sẽ có nghĩa vụ soạn thảo các quy tắc mới để liệt kê và điều chỉnh các tổ chức thanh toán phi ngân hàng quan trọng có hệ thống, dự thảo quy tắc cho biết.
Năm ngoái, PBOC đã thúc giục cơ quan chống độc quyền của Trung Quốc mở cuộc điều tra đối với Alipay và WeChat Pay, cáo buộc rằng hai công ty đã sử dụng vị trí thống lĩnh của họ để dập tắt cạnh tranh, Reuters đưa tin vào tháng 7.
Các "ông lớn" công nghệ chịu nhiều thiệt hại từ sự "mạnh tay" của chính phủ Trung Quốc trong chống độc quyền.
Việc tăng cường quản lý của chính quyền Bắc Kinh đã khiến các gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đã mất hàng trăm tỉ USD giá trị thị trường. Tencent Holdings Ltd. của Pony Ma đã giảm 15% kể từ đầu tháng 11 và gã khổng lồ giao hàng thực phẩm Meituan của Wang Xing giảm gần 1/5. Các khoản thu từ tiền gửi tại Mỹ của Alibaba đã giảm hơn 25% kể từ cuối tháng 10.
Bruce Pang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại công ty chứng khoán China Renaissance Securities Hong Kong cho biết: "Có một làn sóng tín hiệu tương tự cho thấy những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đang nằm trong tầm ngắm của các cơ quan chức năng. Hướng dẫn dự thảo chống độc quyền và rà soát chống độc quyền chỉ là hai trong số những tín hiệu đó".