Ngư dân Khánh Hoà vận chuyển cá ngừ đại dương đi tiêu thụ. Ảnh: Kỳ Nam
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), năm nay quy mô thị trường xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam bị thu hẹp hơn so với năm ngoái, còn 55 thị trường, trong khi năm ngoái là 65 thị trường.
Đất nước đông dân nhất thế giới Trung Quốc đã không còn là thị trường tiêu thụ chính sản phẩm cá ngừ của Việt Nam như trước đây. Việc xuất khẩu cá ngừ đại dương sang nước này liên tục giảm từ giữa năm 2019 và sang đầu năm 2020, thị trường Trung Quốc đã không còn có mặt trong top 8 thị trường xuất khẩu chính.
Tương tự, hoạt động xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ trong tháng 1/2020 cũng giảm mạnh, tới 30% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu cá ngừ đóng hộp và thăn/philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304 sang Mỹ giảm lần lượt 54% và 38% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ chế biến khác có xu hướng tăng mạnh 217%. Theo Vasep, cuộc chiến tranh Mỹ - Trung đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm cá thuộc họ cá ngừ sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, khả năng cung cấp của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế nên không đủ để cung ứng cho thị trường này, phải nhường chỗ cho các đối thủ từ Clombia, Peru, Mexico.
Tín hiệu vui là Mỹ đang là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn thứ 6 của Việt Nam. Năm 2019, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng tốt. Tháng 1/2020, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Mỹ tiếp tục tăng 22,4% đạt 1,54 triệu USD.
Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chủ yếu các sản phẩm như mực khô, mực nang đông lạnh, mực ống đông lạnh, mực ống cắt khoanh đông lạnh, mực ống đông IQF nguyên con, bạch tuộc nguyên con làm sạch đông lạnh, bạch tuộc chế biến đông lạnh…
Xuất khẩu cá ngừ đóng hộp và thăn/philê cá ngừ đông lạnh sang Mỹ giảm nhưng mực và bạch tuộc lại tăng. Ảnh: I.T
Hiện Trung Quốc đang phải chịu thuế 25% khi xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Mỹ nên các nhà nhập khẩu Mỹ có xu hướng tìm các nguồn cung thay thế, trong đó có Việt Nam. Dự báo việc xuất khẩu mực, bạch tuộc từ Trung Quốc sang Mỹ sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới do tác động của dịch Covid-19.
Đối với thị trường EU, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam vẫn tăng trưởng âm trong tháng đầu năm 2020. Hiện tại, chỉ có nhóm sản phẩm cá ngừ tươi sống, đông lạnh và khô (trừ cá ngừ mã HS0304) của Việt Nam xuất sang EU có sự tăng trưởng so với cùng kỳ.
Năm nay Italy với tốc độ tăng trưởng vượt bậc 313% đang giữ vị trí dẫn đầu. Trong khi đó, các thị trường Anh, Rumani, Slovenia và Séc cũng đang có tốc độ tăng trưởng cao ở mức 3 con số so với cùng kỳ, lần lượt là 748%, 351%, 145% và 124%.
Đáng chú ý, sau Italy, Đức và Tây Ban Nha, Anh đang là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 4 của Việt Nam trong khối EU.
Trong khi phần lớn các thị trường xuất khẩu chính khác của Việt Nam trong tháng 1/2020 đều giảm thì thị trường Peru đã góp mặt trong top 8 thị trường xuất khẩu chính, tăng trưởng tới 279%. Ngoài ra, các thị trường như Nga, Algeria, Ucraina cũng đều có tốc độ tăng trưởng cao đối với sản phẩm cá ngừ Việt Nam ở mức 3 con số so với cùng kì năm 2019.
Điều đáng mừng, Nhật Bản là nước duy nhất trong số các thị trường nhập khẩu cá ngừ truyền thống của Việt Nam có sự tăng trưởng trong tháng 1/2020. Giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2019.
Nhật Bản đang nhập khẩu rất nhiều cá ngừ chế biến khác của Việt Nam (như loin (phần tư) cá ngừ vây vàng hấp đông lạnh, loin cá ngừ mắt to hấp đông lạnh, cá ngừ đóng túi để làm thức ăn cho vật nuôi… ), tăng 121% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, kết quả xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong những tháng tới sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là sang thị trường Trung Quốc.