Trong 3 năm tới, Trung Quốc sẽ chính thức miễn phí giao dịch giữa đồng nhân dân tệ và 12 loại tiền tệ khác (trong đó có đồng đô la Singapore, đồng rúp của Nga và đồng won Hàn Quốc) trên thị trường ngoại hối nội địa. Động thái này cho thấy thái độ dứt khoát của Trung Quốc trong việc hạn chế sử dụng đồng đô la Mỹ.
9 ngoại tệ khác được miễn phí giao dịch bao gồm đồng ringgit của Malaysia, đô la New Zealand, đồng rand của Nam Phi, riyal của Saudi, dirham của UAE, zloty của Ba Lan, forint của Hungary, lira của Thổ Nhĩ Kỳ và baht Thái Lan.
Trước đó, Cơ quan quản lý hối đoái của Trung Quốc, Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước (SAFE), cũng đã cho biết trong một thông báo rằng họ sẽ miễn các khoản phí liên quan đến đấu thầu và giá chào bán trong giao dịch liên ngân hàng của đồng nhân dân tệ và hàng chục loại tiền tệ khác từ ngày 1/8.
SAFE cho biết việc miễn các khoản phí giao dịch là để "tích cực hợp tác với chiến lược phát triển đường bộ và vành đai quốc gia, thực hiện hỗ trợ tài chính để phát triển nền kinh tế, giảm chi phí chuyển đổi ngoại tệ cho doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển thị trường ngoại hối trực tiếp cho nhân dân tệ và ngoại hối giữa các ngân hàng."
Ngoài đồng đô la Mỹ, đồng Euro, bảng Anh, đồng Yên Nhật, đô la Hồng Kông và đô la Úc cũng không được miễn phí.
Ken Cheung, chiến lược gia ngoại hối khu vực châu Á của Mizuho Bank, cho biết việc miễn phí giao dịch có nghĩa là khuyến khích trao đổi trực tiếp nhiều hơn với các loại tiền tệ khác bằng cách bỏ qua các giao dịch bằng đô la Mỹ, từ đó sẽ thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ làm đồng tiền thanh toán. "Bằng cách này, những người tham gia thị trường sẽ giảm bớt xu hướng giữ nhiều đô la Mỹ cho các giao dịch tiền tệ khác", Cheung nói.
Trung Quốc chính thức cung cấp dịch vụ giao dịch trực tiếp giữa nhân dân tệ và 20 ngoại tệ trên thị trường ngoại hối nội địa. Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất do NHTW Trung Quốc (PBOC) công bố, đồng đô la Mỹ vẫn đang thống trị thị trường với khối lượng giao dịch trị giá 11,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (1 nghìn tỷ USD) trong quý đầu tiên của năm nay, gấp hơn 30 lần khối lượng giao dịch của đồng Euro - giao dịch tiền tệ nhiều thứ hai trong cùng thời kỳ.
Trong khi đó, với 12 loại tiền tệ được miễn phí giao dịch, đồng đô la Singapore là đồng tiền có khối lượng giao dịch nhiều nhất- ước đạt 22,8 tỷ nhân dân tệ (3,27 tỷ USD) trong quý đầu tiên, trong khi khối lượng giao dịch của đồng forint Hungary thấp nhất, với chỉ 20 triệu nhân dân tệ (2,86 triệu đô la Mỹ) trong ba tháng đầu năm nay.
"Tôi nghĩ rằng việc miễn các chi phí giao dịch sẽ phần nào khuyến khích việc sử dụng rộng rãi đồng nhân dân tệ, ví dụ tỷ trọng có thể tăng gấp đôi từ 1% lên 2% tổng khối lượng giao dịch, nhưng thị phần nói chung vẫn còn rất thấp", ông Hui Hao, nhà kinh tế cấp cao tại các thị trường mới nổi của Commerzbank cho biết.
Vai trò chi phối của đồng đô la Mỹ tại thị trường liên ngân hàng nội địa Trung Quốc phản ánh thực tế rằng các ngân hàng ở quốc gia này vẫn chủ yếu sử dụng đồng USD làm đồng tiền tiêu chuẩn trong các hợp đồng thương mại, đầu tư và tài trợ xuyên biên giới.
Quyết định thúc đẩy giao dịch giữa đồng nhân dân tệ và 12 loại tiền không phải là đồng đô la Mỹ được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đụng độ trong một loạt các vấn đề bao gồm cả phản ứng của chính phủ Trung Quốc đối với đại dịch Covid-19, các cáo buộc ngược đãi người Ngô Duy Nhĩ ở Tân Cương và dự luật an ninh mới ở Hồng Kông.
Trước đó, một nhóm nghiên cứu do Guan Tao, nhà kinh tế trưởng bộ phận ngân hàng đầu tư của Ngân hàng Trung Quốc - một trong những ngân hàng quốc doanh lớn nhất nước này - đã kêu gọi chính phủ Trung Quốc xây dựng mạng lưới giao dịch tài chính của riêng mình, từ đó đa dạng hóa đồng tiền trong đầu tư, tài trợ và thanh toán xuyên biên giới, và nếu cần thiết, có thể từng bước thay đổi mỏ neo tiền tệ trên thị trường ngoại hối trong nước.
Tham khảo: South China Morning Post