Mô hình kinh tế lấy nhà nước làm chủ đạo của Trung Quốc tồn tại nhiều vấn đề. Tuy vậy, chính sách tiền tệ không nằm trong số đó.
Với việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong tuần này và ngân hàng trung ương châu Âu đã sẵn sàng tiếp nối trong tháng 9, có rất nhiều khả năng NHTW nhiều nước khác sẽ đồng loạt giảm lãi suất. Tuy nhiên nhiều khả năng, NHTW Trung Quốc sẽ ngồi im và chứng kiến các quốc gia phát triển chơi trò chơi "có tổng bằng không".
Càng ngày, ngân hàng trung ương của các quốc gia phát triển càng cố gắng sử dụng hết nguồn lực nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế trong trường hợp suy thoái. Điều đó đặc biệt rõ ràng với FED trong năm nay. Xác suất cắt giảm lãi suất trong tháng 9 đã nhảy vọt lên 95,6% từ mức 62,7% vào tối thứ Năm sau khi Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ châm ngòi chiến tranh thương mại với Trung Quốc một lần nữa. Tuy nhiên, đồng đô la vẫn tiếp tục ở mức định giá cao. Và thật không may, chính đồng đô la mạnh hơn đã làm giảm kỳ vọng về sự lạm phát tiêu dùng, một chỉ số mà Chủ tịch FED, Jerome Powell đang cố gắng nâng hạng.
Một lý do quan trọng khiến giá đồng đô la không như kỳ vọng là bởi tất cả các ngân hàng trung ương lớn đang nới lỏng và loại bỏ những nỗ lực của nhau. Điều này có nghĩa là khi một cuộc khủng hoảng thực sự xảy ra, họ sẽ có ít khả năng ứng phó hơn. Điều này thật đáng lo ngại vì bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp Mỹ đã bị thỏa hiệp bởi một thập kỷ lãi suất siêu thấp và làn sóng mua nợ do các công ty cổ phần tư nhân.
Đến bây giờ, các ngân hàng trung ương này chính là "con tin" của TTCK và giới chính trị gia. Powell không có lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm lãi suất vào thứ Tư, bởi nếu không có bất kỳ động thái nào thì một thảm họa trên thị trường là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Các nhà đầu tư đã được tạo điều kiện để đón chờ sự hỗ trợ vững chắc từ các ngân hàng trung ương và sẽ phản ứng hỗn loạn khi điều mong đợi không tới. Loại hành vi này khó có thể biến mất sớm.
Ngược lại, PBOC (Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc) hiển nhiên không phải là mối đe dọa của thị trường. Lợi tức trái phiếu chính phủ 10 năm của Trung Quốc không thay đổi đáng kể kể từ cuối năm 2018, trong khi đó, lợi suất trái phiếu Mỹ đã giảm mạnh và một lần nữa làm phẳng đường cong lãi suất.
Những người mua trái phiếu của Trung Quốc không cần "mặc cả" để cắt giảm lãi suất. (Nguồn: Bloomberg)
PBOC không độc lập; và điều này cũng còn rất lâu mới xảy ra. Theo một nghĩa nào đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc là một thực thể ít độc lập nhất vì nó buộc phải tuân theo ý chí của Bộ Chính trị, đứng đầu là Chủ tịch Tập Cận Bình. Đó là một kết luận đã được dự đoán trước rằng Trung Quốc sẽ không cắt giảm lãi suất ngay bây giờ, bởi cuộc họp của Bộ Chính trị lần gần nhất đã sử dụng cụm từ quan trọng "một căn hộ được dùng để sinh sống, chứ không dùng để đầu tư vào". Điều này có thể hiểu là "giữ cho mức giá trong nước được ổn định", một phương châm đã đi vào di sản chính trị của Chủ tịch Tập. Trong những năm gần đây, mỗi lần PBOC mở lại "vòi" thanh khoản, bong bóng bất động sản lại phồng lên.
Nhưng những gì các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc làm chỉ là trừng phạt các nhà đầu tư bán khống và hướng tầm nhìn xa hơn - điều mà các ngân hàng trung ương phương Tây đang ngày càng gặp nhiều khó khăn để thực hiện. Và họ sở hữu rất nhiều công cụ để thực hiện điều đó. Không giống như FED, bảng cân đối kế toán của PBOC vẫn còn khá sạch vì nó không tham gia vào bất kỳ chương trình mua tài sản trên quy mô lớn nào. Quan trọng hơn, các nhà kỹ trị của Trung Quốc có thể điều phối các chính sách tài khóa và tiền tệ, một trạng thái mà những người phương Tây ủng hộ lý thuyết tiền tệ hiện đại chỉ có thể mơ ước.
Khi lớp bụi lắng xuống mà Trung Quốc vẫn ngồi vững vàng, thị trường này sẽ hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư toàn cầu. Các Quốc gia phát triển sẽ hối tiếc đã làm suy yếu sự độc lập của ngân hàng trung ương như những năm gần đây? Có lẽ là vậy. Nhiều khả năng, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang mỉm cười ngay tại lúc này.