Tham tán Văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, được sự uỷ quyền của Đại sứ vừa thông báo việc Chính phủ Trung Quốc đã quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt II (từ 15/3/2023). Lãnh đạo Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xác nhận thông tin nêu trên. Theo đại diện cơ quan này, đây là kết quả sau những nỗ lực của các cấp, các ngành hai bên.
Chia sẻ với Tiền phong, PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, Tổng cục Du lịch - nhấn mạnh, đây là thông tin vui với những người làm du lịch.
- Ông đánh giá như thế nào về chính sách mở cửa du lịch của Trung Quốc, đặc biệt là việc mở tour tới Việt Nam từ 15/3 tới đây?
Trên bình diện toàn cầu, Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới. Thống kê năm 2019, Trung Quốc chi tiêu cho du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới với 255 tỷ USD.
Việt Nam là quốc gia kề bên, đây là lợi thế rất lớn trong việc hút khách từ thị trường rộng lớn này. Năm 2019 (trước dịch COVID), Trung Quốc là thị trường khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam với 5,8 triệu lượt khách, chiếm gần 1/3 lượng khách quốc tế.
PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (ảnh: báo Đầu tư).
Hôm 6/2 Trung Quốc đã công bố danh sách đợt đầu tiên gồm 20 quốc gia mà người dân được đi du lịch theo đoàn thông qua các công ty lữ hành. Hôm qua (8/3), Trung Quốc tiếp tục thông báo việc đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt hai.
Nếu chính sách này được thực thi trong thực tế thì thực sự rất tích cực với ngành du lịch. Tôi nói đến việc thực thi, bởi nghe thì tốt nhưng phải xem động thái thực tế như thế nào trong thời gian tới mới có thể nhận định rõ ràng hơn.
- Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của thị trường khách Trung Quốc, vậy theo ông Việt Nam, các doanh nghiệp cần làm gì để tận dụng tốt nhất cơ hội này?
Để đón bắt cơ hội này, Việt Nam cần rà soát tất cả những gì chưa phù hợp với đặc điểm thị trường Trung Quốc. Từ đó cung cấp những dịch vụ, sản phẩm đón khách phù hợp hơn. Nói đơn giản, nếu khách ào ào qua nhưng chúng ta chưa chuẩn bị tốt, khai thác sẽ không hiệu quả.
Làm du lịch không thể chờ người ta đến, mình có gì cung cấp cái đó. Phải thiết kế, xây dựng được sản phẩm, dịch vụ du khách họ cần. Chúng ta mong muốn đón bắt cơ hội này, bứt tốc thì không còn cách nào, phải chuẩn bị thật kỹ để “đón khách đến nhà”. Thái Lan, Indonesia, Singapore… là những đối thủ lớn, họ có nhiều lợi thế và sức cạnh tranh. Chúng ta không thể lơ là.
- Vậy cụ thể với thị trường Trung Quốc, Việt Nam cần lưu ý gì, thưa ông?
Thứ nhất, thị trường Trung Quốc có rất nhiều phân khúc khách khác nhau. Các doanh nghiệp cần xác định nhắm tới phân khúc nào. Khi xác định rõ được vấn đề này thì sẽ có sự chuẩn bị phù hợp với phân khúc đó.
Thứ hai, đây cũng là thời điểm tốt để rà soát cơ cấu lại, không vì thiếu khách mà buông lỏng. Phần lớn du khách Trung Quốc đến Việt ở phân khúc thấp và trung bình. Một mặt chúng ta rất chào mừng, nhưng mặt khác cũng cương quyết trong quản lý điểm đến, hạn chế các vấn đề tiêu cực từng được phản ánh.
Mặc dù là thị trường du lịch lớn nhưng trong quá trình đón du khách Trung Quốc đã tồn tại những bất cập như xuất hiện tour 0 đồng, lừa đảo trong mua bán hàng hóa... ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu du lịch Việt Nam, gây thiệt hại cho ngành du lịch. Phải quản lý rất chặt doanh nghiệp, không để lặp lại việc này.
Thứ ba, xây dựng đa dạng dịch vụ sản phẩm để có thể đón khách quay lại nhiều lần. Mình có vài dịch vụ, sản phẩm thì họ chỉ đến 1 lần, nhưng mình có 100 sản phẩm thu hút chắc chắn họ phải quay lại. Đi kèm với đó là khâu dịch vụ rất tốt.
Thêm điều nữa, đó là cần tháo gỡ luôn câu chuyện về visa, đi lại thuận tiện thì họ mới muốn đến hoặc quay lại. Trung Quốc cũng chưa phải là thị trường được miễn thị thực. Có thể cởi bỏ dần nút thắt này bằng cách miễn thị thực cho một số đối tượng, mở dần chứ không mở “toang”.
- Theo ông, với việc có thể đón khách Trung Quốc theo đoàn từ giữa tháng 3, mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế năm nay của Việt Nam có khả thi không?
Rõ ràng có cơ hội tiếp cận một thị trường đông dân như Trung Quốc, mục tiêu của Việt Nam về khách quốc tế sẽ dễ thành hiện thực hơn. Song dù vậy, vẫn cần sự quyết liệt hơn trong các chính sách, trong đó có vấn đề về visa. Các doanh nghiệp cũng cần nhanh nhẹn, chủ động hơn.
Cần nhấn mạnh, mục tiêu đặt ra như vậy nhưng lưu ý không chạy theo số lượng đơn thuần. Quan trọng nhất vẫn thu lại được bao nhiêu. Để đón cơ hội, nhất thiết phải cơ cấu lại, phục vụ ra phục vụ, thu ra thu. Việt Nam không phải điểm đến theo cách xô bồ. Trong chiến lược phát triển du lịch, chúng ta nêu rõ việc quan tâm nhiều đến chất lượng.
- Xin cảm ơn ông!