Các quan chức chính phủ hàng đầu Trung Quốc đã ra quy định ưu tiên đảm bảo nguồn cung năng lượng và hàng hóa, nguyên nhân chính bởi những lo lắng về tình trạng gián đoạn bắt nguồn từ cuộc chiến Nga – Ukraina.
Theo Bloomerg, các cơ quan chính phủ trong đó Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc (NDRC) đẫ được yêu cầu phải hối thúc các doanh nghiệp nhà nước tìm kiếm thị trường để thu mua các loại hàng hóa ví như dầu, khí đốt, quặng sắt hay ngô để bù đắp cho khả năng có thể sẽ xảy ra thiếu hụt bởi xung đột. Các quan chức này không hề đề cập đến giá cả, trong đó có bao gồm chi phí nhập khẩu, như vậy chi phí không phải vấn đề họ quan tâm nhất vào lúc này.
Việc đảm bảo nguồn cung là ưu tiên hàng đầu cho Trung Quốc, các quan chức lo ngại về tác động của chi phí hàng hóa toàn cầu lên kinh tế Trung Quốc. Bắc Kinh hiện đang tập trung nhiều hơn vào vấn đề an ninh năng lượng và thực phẩm sau khi chịu tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19, áp lực chuỗi cung ứng và nhiều vấn đề địa chính trị ví như đối đầu với Australia. Các quan chức trên không nói cụ thể đến việc bằng cách nào để đảm bảo nguồn cung, chính vì vậy các cơ quan sẽ phải tự lên kế hoạch cho vấn đề này.
NDRC từ chối trả lời khi được báo giới đề nghị bình luận. Giá dầu tại London tăng khoảng 8,6% trong phiên ngày thứ Tư còn giá nhôm tăng khoảng 3,4%. Giá ngô giao hợp đồng tương lai trên thị trường Chicago tăng 3% lên ngưỡng cao nhất tính từ năm 2012 còn giá bột mì tăng 7,6%.
Việc giá hàng hóa tăng vọt do cuộc chiến Nga – Ukraina nhiều khả năng sẽ làm khó cho những nỗ lực kích thích tăng trưởng Trung Quốc. Giới chức Trung Quốc nhiều khả năng sẽ công bố thêm những bước bổ sung nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế khi mà họ có cuộc họp cấp cao vào tuần này, các ngành công nghiệp của Trung Quốc đã yếu đi bởi có một số biện pháp hạn chế sản xuất gây gián đoạn nguồn cung nguyên liệu thô dành cho ngành.
Trung Quốc đang chuẩn bị bước vào thời kỳ tiêu thụ đỉnh cao của nhiều loại hàng hóa, rủi ro gián đoạn nguồn cung bởi việc Nga tấn công vào Ukraina sẽ khiến cho giá cả nhiều loại hàng hóa, từ kim loại cho đến thuốc trừ sâu, tăng vọt.
Nhiều bên mua trên thị trường hàng hóa thế giới đang nhìn vào cuộc chiến Nga – Ukraina và tranh thủ tăng cường nguồn cung bởi sợ hãi về khả năng gián đoạn.
Trong ngành năng lượng, các nhà máy điện và sản xuất thép tại Trung Quốc đang tìm kiếm nhiều lựa chọn thay thế cho than đá của Nga, một số ngân hàng nội địa cho biết họ tạm thời tránh mua do các biện pháp trừng phạt ngày một nhiều chống lại Moscow. Nga là nguồn cung cấp than đá lớn thứ 2 cho Trung Quốc.
Nga, hiện đang cạnh tranh với Saudi Arabia trong vai trò nước cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc, đã tăng cường quan hệ thương mại với Bắc Kinh trong thập kỷ qua. Trung Quốc đã tăng mua gấp đôi các sản phẩm năng lượng từ nước láng giềng, giá trị mua lên mức gần 60 tỷ USD trong năm gần nhất.
Trong cuộc họp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin vào tháng trước, hai nhà lãnh đạo đã ký kết nhiều thỏa thuận nhằm tăng nguồn cung khí đốt và dầu cũng như bột mì. Trung Quốc cũng là bên mua quan trọng nhiều sản phẩm như ngô của Ukraina. Trung Quốc mua hơn 8,2 triệu tấn ngô Ukraina trong năm ngoái, tương đương khoảng 29% tổng sản lượng ngô nhập khẩu toàn cầu. Trung Quốc cũng mua ước tính khoảng 18 triệu tấn quặng sắt tử Ukraina, tương đương 1,6% lượng nhập khẩu của nước này.
An ninh thực phẩm đã trở thành ưu tiên hàng đầu cho Bắc Kinh, đặc biệt khi mà hoạt động nhập khẩu ngô, đậu tương và bột mì tăng lên ngưỡng cao kỷ lục trong những năm gần đây, chính vì vậy Trung Quốc dễ chịu tổn thương từ căng thẳng thương mại và các cú sốc nguồn cung. Những nỗ lực đảm bảo nguồn cung thực phẩm của Trung Quốc bao gồm từ tăng cường sản xuất nội địa sang đa dạng nguồn xuất khẩu, phát triển ngành hạt giống và đảm bảo ngăn lãng phí thực phẩm.