Tập đoàn Hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) gần đây đã thử nghiệm thành công một lò phản ứng nhiệt nhỏ (DHR) có tên là "Yanlong" trong 168 giờ.
Giữa lúc các địa phương miền Bắc đối mặt tình trạng thiếu hụt khí đốt tự nhiên do việc hạn chế sử dụng than, CNNC đã giới thiệu "DHR - 400" như một giải pháp cung cấp nhiệt thay thế. Mỗi đơn vị có công suất 400 MW này đủ khả năng sưởi ấm khoảng 200.000 hộ gia đình tại thành thị. Mô hình này cần mức vốn đầu tư 1,5 tỉ nhân dân tệ (tương đương 226,7 triệu USD) và mất khoảng 3 năm để xây dựng.
Ông Gu Shenjie, phó kỹ sư trưởng của Viện Nghiên cứu và Thiết kế Kỹ thuật Hạt nhân Thượng Hải (SNERDI), nhận định với Reuters rằng công nghệ này đã sẵn sàng và đang hướng đến giai đoạn thương mại hóa. Việc sử dụng nhà máy hạt nhân thông thường để cung cấp nhiệt sưởi ấm không có gì lạ ở Nga và Đông Âu. Tuy nhiên, Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành quốc gia đầu tiên xây dựng lò phản ứng để làm chuyện này.
Trung Quốc tỏ ra thận trọng trong việc sử dụng lò phản ứng để cung cấp nhiệt sưởi ấm cho người dân Ảnh: AP
Dù vậy, Bắc Kinh tỏ ra thận trọng và không muốn triển khai công nghệ trên quá nhanh, nhất là khi người dân ngày càng lo ngại về các rủi ro từ năng lượng hạt nhân. Tiến trình phê duyệt dự kiến tốn không ít thời gian bởi mỗi dự án phải trải qua hàng loạt đánh giá về tác động đối với môi trường cũng như thiết kế.
Động thái trên diễn ra giữa lúc chất lượng không khí ở 8 thành phố miền Bắc Trung Quốc vẫn không đạt chuẩn trong tháng 10 và 11 vừa qua, bất chấp nhà chức trách địa phương tăng cường giảm khí thải trong mùa đông.
Trong năm nay, Bắc Kinh đã yêu cầu hàng triệu hộ gia đình chuyển từ sử dụng than sang khí đốt và điện để sưởi ấm, đồng thời loại bỏ 44.000 nồi hơi đốt than công nghiệp trên khắp 28 thành phố. Tuy nhiên, tình trạng thiếu khí đốt buộc Bộ Bảo vệ Môi trường nới lỏng lệnh cấm đốt than sưởi ấm, làm dấy lên nỗi lo ô nhiễm không khí vốn chưa cải thiện được bao nhiêu có thể nghiêm trọng trở lại.