Theo kế hoạch được các nhà khoa học trình lên chính phủ Trung Quốc, dự án tham vọng xây dựng đường hầm qua biển kéo dài 135 km nối đại lục với Đài Loan có thể cần đến nhiều tỷ USD vốn đầu tư, tờ South China Morning Post cho biết.
Theo các nhà phân tích, bỏ qua vấn đề chính trị, việc có thể đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật và công nghệ của dự án này sẽ là dấu mốc lớn đối với các công ty xây dựng, kỹ thuật và khoa học của Trung Quốc.
"Đây sẽ là một trong những dự án dân dụng lớn và thử thách nhất của thế kỷ 21", một nhà khoa học của chính phủ Bắc Kinh cho biết.
Thiết kế của đường hầm này được hoàn thành vào năm ngoái với nguồn vốn từ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc - đơn vị tư vấn trung ương về xây dựng cơ sở hạ tầng lớn nhất của Trung Quốc.
Ý tưởng đường hầm nối Trung Quốc đại lục với Đài Loan đã được đề cập tới suốt gần 1 thế kỷ qua. Việc này có được bước tiến đáng kể vào năm 2016 khi Trung Quốc đưa một dự án đường sắt cao tốc xuyên eo biển vào kế hoạch 5 năm mới. Nhưng mọi thứ chỉ trở nên khả quan hơn khi gần đây các nhà khoa học và kỹ sư phác thảo kế hoạch xây dựng.
Bắt đầu từ khu thương mại tự do thí điểm Pingtan tại tỉnh Phúc Kiến - được thành lập năm 2013 để thúc đẩy thương mại với Đài Loan, tuyến đường sắt sẽ kết thúc tại thành phố biển Hsinchu - gần Đài Bắc, Đài Loan. Hầm đường sắt này dài gấp 3,5 lần so với hầm đường sắt dưới biển dài nhất thế giới hiện tại - Channel Tunnel - dài 37,9 km qua eo biển nối Anh và Pháp.
Channel Tunnel mất 6 năm để xây dựng và tiêu tốn số tiền tương đương 12 tỷ Euro (13,99 tỷ USD) ngày nay. Hoàn thành vào năm 1994, công trình này được Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Dân dụng Mỹ gọi là một trong 7 kỳ quan thế giới hiện đại.
Dự án của Trung Quốc cũng sẽ tương tự như Channel Tunnel, gồm 3 đường hầm riêng rẽ. Trong đó, 2 hầm dành cho tàu chạy qua, lại. Đường hầm dịch vụ ở giữa nhỏ hơn chứa đường dây diện, cáp viễn thông và lối thoát khẩn cấp. Tuy nhiên, đường hầm của Trung Quốc sẽ rộng gấp 3 lần so với Channel Tunnel.
Thiết kế rộng hơn cho phép tàu di chuyển nhanh hơn - 250 km và chở theo nhiều hàng hóa hơn so với Channel Tunnel - nơi giới hạn vận tốc là 160 km/h. Một điểm ưu việt trong dự án này là các đảo nhân tạo giữa eo biển dành cho trạm xử lý không khí, bơm không khí trong lành vào trong đường hầm.
Tuy nhiên, việc xây dựng hầm đường sắt này có thể gặp nhiều trở ngại do những vấn đề về chính trị giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan. Dựa trên tình hình hiện tại, nhiều nhà phân tích cho rằng sẽ phải chờ rất lâu mới có thể triển khai dự án này.