Nối tiếp thành công của tàu vũ trụ đầu tiên trên thế giới hạ cánh xuống vùng tối của mặt Trăng, Trung Quốc đang chuẩn bị xây dựng một trạm năng lượng mặt trời ngoài không gian. Với ngân sách hàng năm 8 tỷ USD dành cho chương trình vũ trụ, chỉ đứng sau Mỹ, Bắc Kinh đang nỗ lực cạnh tranh với Washington về sức mạnh kinh tế và công nghệ, theo Bloomberg.
Các nhà khoa học Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một cơ sở thử nghiệm tại thành phố Trùng Khánh. Nước này dự kiến xây dựng một trạm năng lượng nhỏ hơn ở tầng bình lưu của bầu khí quyển trái đất trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2025, một trạm năng lượng mặt trời 1 megawatt ngoài không gian vào năm 2030 và cuối cùng là các trạm phát điện lớn hơn, theo tờ Science và Technology Daily.
Ngày 3/1/2019, tàu thăm dò Hằng Nga 4 (Chang'e-4) của Trung Quốc đã hạ cánh thành công xuống vùng tối của mặt Trăng, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chương trình vũ trụ đầy tham vọng của Bắc Kinh. Việc hạ cánh xuống khu vực chưa được khai phá trước đây cho phép Hằng Nga 4 nghiên cứu kỹ hơn về mặt Trăng.
Tàu này được trang bị máy quang phổ vô tuyến tần số thấp để giúp các nhà khoa học tìm hiểu "những ngôi sao đầu tiên đã bốc cháy như thế nào và vũ trụ của chúng ta sinh ra như thế nào sau vụ nổ Big Bang", hãng thông tấn Xinhua News cho biết.
Hiện tại, Trung Quốc đang triển khai thêm 4 phiên bản tàu thăm dò Hằng Nga, trong đó ít nhất 2 tàu được lên kế hoạch hạ cánh xuống phía nam mặt Trăng, theo Wu Yanhua, Phó giám đốc của Cơ quan vũ trụ quốc gia Trung Quốc. Cơ quan này cũng sẽ thăm dò lập một cơ sở nghiên cứu trên mặt Trăng. Một cuộc thăm dò sao Hoả cũng dự kiến được thực hiện vào cuối thập kỷ này.
Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng trạm không gian riêng vào khoảng năm 2022 có tên là Thiên Cung (Tiangong). Trạm vũ trụ này sẽ có một mô-đun lõi và 2 mô-đun khác dành cho các thiết bị, tổng cộng nặng 66 tấn, có thể tải 3 người và vòng đời tối thiểu 10 năm. Cơ sở này sẽ được dùng cho nghiên cứu khoa học trong nhiều lĩnh vực gồm sinh học, vật lý và khoa học vật liệu.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã nới lỏng độc quyền trong lĩnh vực khai phá không gian này, cho phép sự tham gia của nhiều công ty tư nhân với giấc mơ cạnh tranh với các startup Mỹ như SpaceX của tỷ phú Elon Musk, Blue Origin của Jeff Bezos hay Virgin Galactic của tỷ phú Anh Richard Branson.