Thông tin mới nhất từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho hay, xuất khẩu cá tra bắt đầu trở tăng trưởng trở lại khi các thị trường lớn là Trung Quốc, Hong Kong và Mỹ bất ngờ mua mạnh. Từ tháng 3/2020, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt gần 35 triệu USD, tăng hơn 109% so với tháng 1/2020.
Trong đó, Trung Quốc - Hong Kong quay lại vị thế thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất trong quý đầu năm. VASEP dự báo sang quý 2/2020, xuất khẩu cá tra sang thị trường này sẽ khôi phục mạnh và tăng từ 30-40% so với cùng kỳ năm 2019.
Không chỉ Trung Quốc, thị trường Mỹ cũng phát đi tín hiệu tốt khi xuất khẩu cá tra riêng tháng 3/2020 đạt 23 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2019. VASEP hy vọng, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ vượt lên mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2019 trong quý tiếp theo.
Đây là tin tốt cho thị trường thủy sản, cổ phiếu ngành cũng giao dịch tích cực trở lại những phiên gần đây. Riêng ANV và VHC mở màn phiên giao dịch đầu tuần với mức tăng trần.
Mặc dù vậy, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn: không chỉ thể hiện qua kết quả kinh doanh quý đầu năm sụt giảm mạnh mà còn đặt kế hoạch 2020 tương đối thận trọng.
Luỹ kế 3 tháng đầu năm nay, trước ảnh hưởng dịch Covid-19, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 334 triệu USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước.
Khoảng 33% tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc, CTCP Nam Việt (ANV) công bố BCTC hợp nhất quý 1/2020 với doanh thu thuần đạt hơn 811 tỷ đồng, giảm 11%. Tương ứng, lãi sau thuế Công ty chỉ còn hơn 43 tỷ đồng, chưa bằng 1/4 so với con số lãi hơn 200 tỷ đồng ghi nhận trong quý 1/2019.
Theo giải trình từ phía Công ty, do ảnh hưởng mạnh từ dịch bệnh Covid-19 nên hầu hết các thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng làm cho kim ngạch xuất khẩu giảm. Tổng giá trị hàng xuất khẩu quý 1 đạt gần 564 tỷ đồng, giảm 168 tỷ đồng so với cùng kỳ trong khi giá trị hàng bán trong nước tăng 69 tỷ đồng, lên trên 247 tỷ đồng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ANV cũng xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2020 với các chỉ tiêu kế hoạch đều giảm sút với tổng doanh thu 3.000 tỷ, LNST đạt 200 tỷ đồng.
Hay Vĩnh Hoàn (VHC), tính đến cuối năm 2019 Mỹ chiếm 54% tỷ trọng xuất khẩu, trong khi Trung Quốc cũng đạt mức cao với 20%, quý đầu năm lợi nhuận sau thuế đạt giảm hơn phân nửa xuống còn 152 tỷ đồng. Được biết, tình trạng sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và giá bán giảm, đã làm giảm phần lợi nhuận thu về.
Nhận định kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2020 có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như nền kinh tế toàn cầu suy yếu kéo dài, sự gia tăng các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, tỷ giá hối đoái bất ổn, gián đoạn trong chuỗi cung ứng… VHC dự kiến 2kịch bản kinh doanh năm 2020, trong đó:
(1) kịch bản thấp: doanh thu và lợi nhuận sẽ giảm 18% và 32%;
(2) kịch bản cao: doanh thu sẽ tăng 9,3% và lãi ròng giảm 10%.
Giảm sút sâu còn có Thuỷ sản Cửu Long An Giang (ACL), quý 1/2020 lợi nhuận giảm đến 98% chỉ còn hơn 1 tỷ đồng chủ yếu do doanh thu sụt giảm hơn 47% so với cùng kỳ năm trước.
Thủy sản Mekong (AAA) cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 79% so với quý 1/2019, chỉ còn 666 triệu đồng.
Một đơn vị đáng chú ý, Xuất nhập khẩu thủy sản An giang (Agifish, AGF) vừa công bố BCTC quý 1/2020 với chỉ tiêu doanh thu thuần giảm nhẹ gần về 172 tỷ. Khấu trừ chi phí, Công ty lỗ ròng hơn 2 tỷ đồng, mặc dù thua lỗ song con số đã cải thiện đáng kể so với mức lỗ 122 tỷ hồi quý 1/2019.
Được biết, AGF là con của Thủy sản Hùng Vương (HVG), năm 2020 với sự rót vốn hỗ trợ từ phía Thaco vào công ty mẹ, AGF cũng lên kế hoạch tái cấu trúc toàn bộ, xóa nợ khó đòi, mục tiêu doanh thu 880 tỷ, lợi nhuận 22 tỷ đồng.
Liên quan đến dịch Covid-19, ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch HVG trong lần phát biểu tại ĐHĐCĐ mới đây cho hay, với 30-40% kim ngạch được xuất khẩu sang Trung Quốc, trước diễn biến dịch bệnh thì những tháng đầu năm các doanh nghiệp thủy sản ĐBSCL là ‘đứng hình"; năng lực chế biến theo đó giảm đến 50%.