Trong báo cáo mới đây nhất, Dịch vụ Nông nghiệp nước ngoài thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo Philippines sẽ chỉ nhập khẩu 2,2 triệu tấn gạo trong năm nay, giảm 10% so với năm 2020, và thấp hơn con số 2,6 triệu tấn dự báo trước đây.
Theo USDA, sản lượng và tiêu thụ gạo thế giới sẽ tăng, chủ yếu do sản lượng của Indonesia, Philippines và Sri Lanka được mùa, và tiêu thụ ở Trung Quốc tăng. Do đó, Philippines sẽ không còn là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới – vị trí nước này đã nắm giữ suốt 2 năm qua, kể từ khi tự do hóa ngành lúa gạo, theo đó mở cửa thị trường cho nhập khẩu nhiều gạo hơn trước.
Dự kiến Trung Quốc sẽ mua 2,8 triệu tấn gạo từ nước ngoài trong năm nay do sản lượng trong nước giảm.
Trái lại, sản lượng của Philippines dự báo sẽ tăng lên 12,2 triệu tấn, từ mức 11,9 triệu tấn của vụ trước, nhờ diện tích và năng suất đều tăng. Đây là kết quả của việc Bộ Nông nghiệp nước này thực hiện các chương trình thúc đẩy sản xuất như cung cấp hạt giống chất lượng, cung cấp máy móc, tín dụng nông nghiệp và khuyến nông thông qua Quỹ Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành gạo.
Mặt khác, USDA cho rằng giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Việt Nam cao cũng làm cho Philippines hạn chế mua vào. Trên thực tế, giá gạo Thái Lan (5% tấm) đã tăng lên trên 557 USD/tấn do sản lượng nội địa thấp và chi phí vận chuyển cao vì thiếu container. Gạo cùng loại của Việt Nam cũng đã tăng lên 516 USD/tấn, cao nhất trong gần một thập kỷ, do nguồn cung thắt chặt lúc trước khi vào vụ thu hoạch. Việt Nam và Thái Lan là những nhà cung cấp gạo chủ chốt cho Philippines bởi gần về mặt địa lý và giá cả những năm qua thường cạnh tranh hơn so với những xuất xứ khác. Tuy nhiên, cả hai nước đều trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng hồi năm ngoái, khiến cho nguồn cung gạo xuất khẩu bị ảnh hưởng, tác động kéo dài tới cả năm 2021.