Dường như hai thế giới song song cuối cùng đã cắt nhau tại 1 điểm khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp mặt nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore ngày 12/6. Vị Tổng thống tỷ phú 72 tuổi nổi tiếng với những câu phát biểu giật gân trên Twitter đã mặt đối mặt với nhà lãnh đạo mới mới chỉ ngoài 30 tuổi của quốc gia bí ẩn nhất thế giới.
Donald Trump và Kim Jong Un đại diện cho 2 quốc gia hoàn toàn đối lập. Ông Trump chỉ huy nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là nước có sức mạnh quân sự vững vàng nhất, trong khi ông Kim lãnh đạo 1 nền kinh tế nhỏ bé hơn, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên để tài trợ cho tham vọng vũ khí hạt nhân – thứ được cho là sẽ bảo vệ Triều Tiên khỏi bị Mỹ tấn công.
Cuộc gặp lịch sử có ý nghĩa quan trọng không chỉ với bán đảo Triều Tiên hay với Mỹ mà còn là với toàn bộ trật tự khu vực Đông Bắc Á. Và theo giới phân tích nhận định, cuộc gặp lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Donald Trump có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc – nước có nhiều lợi ích về địa chính trị và an ninh trên bán đảo Triều Tiên.
Từ lâu nay nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn có mối quan hệ thân thiết với Triều Tiên nhiều hơn đáng kể so với các quốc gia khác. Fed Kempe, Chủ tịch kiêm CEO của Atlantic Council, 1 think tank chuyên nghiên cứu về chính sách ngoại giao, nhận định đối với Bắc Kinh, "1 thỏa thuận hòa bình đúng nghĩa có thể làm suy yếu mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Hàn Quốc, giảm nguy cơ xung đột hay thậm chí có thể dẫn đến việc Mỹ rút quân đội ra khỏi Hàn Quốc".
Chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc vốn là 1 trong những yêu cầu mà chính quyền của ông Kim Jong Un quan tâm hàng đầu để đổi lại Triều Tiên sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân. Nếu điều này xảy ra, Trung Quốc phần nào đạt được mục tiêu tối thiểu hóa tầm ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á.
Theo Gregory Kulacki, chuyên gia về Trung Quốc tại tổ chức nghiên cứu UCS, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng có những mục tiêu khá giống nhau khi hướng đến hội nghị Trump – Kim: thuyết phục Nhà Trắng nới lỏng lệnh cấm vận đối với Triều Tiên. Trung Quốc có thể nối lại một số quan hệ kinh tế với Triều Tiên nếu như đất nước của ông Kim Jong Un ngừng thử vũ khí hạt nhân.
Nhưng "để Trung Quốc mở rộng cánh cửa kinh tế hơn một chút, các lệnh cấm vận đang áp đặt lên Triều Tiên sẽ phải được nới lỏng phần nào, hay nói khác là Mỹ phải có vài động thái nhượng bộ", ông Kulacki giiar thích.
Trong cuộc gặp hồi tháng 5 giữa ông Kim và ông Tập, nhà lãnh đạo Triều Tiên được cho là đã nói rằng Bình Nhưỡng không cần sở hữu vũ khí hạt nhân nếu như "bên liên quan" từ bỏ "chính sách thù địch và những đe dọa về an ninh". "Bên liên quan" ở đây được hiểu là Mỹ.
Theo Eli Lee, chuyên gia đang công tác tại Bank of Singapore, trong thời gian qua cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều đã hoạt động rất tích cực trong vai trò những "nhà môi giới quyền lực" bởi họ muốn sự ổn định và an ninh dài hạn cho cả khu vực. Là đối tác thương mại chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch thương mại của Triều Tiên, Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng đối với ông Kim Jong Un. Hơn nữa nếu là 1 "chất xúc tác" thúc đẩy mối quan hệ Mỹ - Triều, vị thế của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ sẽ được cải thiện đáng kể.