Các công ty Trung Quốc đã ngừng mua sản phẩm nông nghiệp Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố hôm 6/8, một đòn giáng mạnh vào nông dân Mỹ khi xuất khẩu của họ vốn đã chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại kéo dài hơn 1 năm.
Cũng theo Bộ Thương mại Trung Quốc, nước này có khả năng áp thêm thuế lên nông sản Mỹ, tạo thêm rào cản cho thương mại nhằm vào các vùng nông thôn, lực lượng ủng hộ chính của Tổng thống Donald Trump trong đợt bầu cử năm 2016.
Ông Trump ngày 1/8 cho rằng Trung Quốc đã không thực hiện đúng cam kết mua một lượng lớn nông sản Mỹ và dự định áp thuế lên khoảng 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, khiến tình hình đàm phán bất ngờ chuyển biến xấu.
Ngày 5/8, Trung Quốc cho phép nhân dân tệ (CNY) mất giá vượt mức 7 CNY đổi 1 USD lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ. Mỹ đáp trả, coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ.
Chủ tịch Liên đoàn Trang trại Mỹ Zippy Duval gọi tuyên bố từ Trung Quốc là “một đòn giáng mạnh vào hàng nghìn nông dân và chủ trang trại vốn đã chật vật để tồn tại”.
Thuế quan của Trung Quốc lên đậu nành Mỹ đã làm giảm mạnh xuất khẩu của mặt hàng nông sản Mỹ có giá trị nhất này và buộc chính quyền ông Trump đền bù cho nông dân trong 2 năm với tổng giá trị lên tới 28 tỷ USD.
Trung Quốc áp thuế trả đũa lên tới 62% với đậu nành Mỹ. Ảnh: Reuters.
Trung Quốc nhập khẩu 9,1 tỷ USD nông sản Mỹ năm 2018 – chủ yếu là đậu nành, sữa, lúa miến và thịt lợn – giảm từ 19,5 tỷ USD năm 2017, theo liên đoàn.
Hội đồng Các nhà sản xuất Thịt lợn Quốc gia Mỹ viết trong một email nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết thúc chiến tranh thương mại để họ có thể “ tham gia nhiều hơn vào một cơ hội bán hàng lịch sử”.
Dịch tả lợn châu Phi bùng phát đã giết chết hàng triệu con lợn ở Trung Quốc. Các nhà xuất khẩu thịt lợn Mỹ hy vọng có thể tận dụng cơ hội này đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng doanh số lại bị hạn chế bởi loạt thuế trả đũa lên tới 62%.
Bộ Thương mại Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ giữ lời hứa và tạo “điều kiện cần thiết” cho hợp tác song phương.
Trước đó, CCTV, đài truyền hình quốc gia Trung Quốc, phát hình ảnh một quan chức thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) Trung Quốc nói cáo buộc của ông Trump rằng Trung Quốc chưa mua đủ số lượng nông sản Mỹ như cam kết là “vô căn cứ”.
Xét tổng thể, Trung Quốc đã mua khoảng 14,3 triệu tấn đậu tương mùa vụ trước, ít nhất trong vòng 11 năm, và khoảng 3,7 triệu tấn vẫn chưa được giao, theo số liệu của Mỹ. Trung Quốc đã mua 32,9 triệu tấn đậu nành Mỹ năm 2017, trước khi chiến tranh thương mại nổ ra.
Trung Quốc áp thuế 25% lên đậu nành Mỹ vào tháng 7/2018 để đáp trả loạt thuế Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc.
Trung Quốc vẫn tôn trọng cam kết đã ký trước đó về việc nhập khẩu đậu nành Mỹ, theo Cong Liang, tổng thư ký của NDRC Trung Quốc, CCTV đưa tin. Bản tin cho biết có 2,27 triệu tấn đậu nành Mỹ đã được giao đến Trung Quốc vào tháng 7, kể từ cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản, vào cuối tháng 6.
Trung Quốc mua 130.000 tấn đậu nành, 120.000 tấn lúa miến, 60.000 tấn lúa mỳ, 40.000 tấn thịt lợn và các sản phẩm thịt, cùng 25.000 tấn bông từ Mỹ trong khoảng 19/7 đến 2/8, Cong nói.
Dữ liệu hàng tuần của Mỹ vào 1/8 xác nhận doanh số bán đậu nành mới nhất với Trung Quốc từ tháng 6, 68.000 tấn từ vụ mùa được thu hoạch vào mùa thu này. Các đợt mua tiếp theo từ ngày 1/8 sẽ được ghi lại trong báo cáo xuất khẩu mới nhất của Chính phủ Mỹ vào ngày 8/8.
2 triệu tấn đậu nành Mỹ sẽ được xuất sang Trung Quốc vào tháng 8, tiếp theo là 300.000 tấn nữa vào tháng 9, Cong nói.
Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp Mỹ tuyên bố vào 5/8 rằng có chưa đầy 600.000 tấn đậu nành được kiểm tra để xuất sang Trung Quốc trong tuần tính đến 1/8, ít hơn tuần tước đó.
Giá đậu nành tại sàn giao dịch Chicago giảm hơn 3% vào tuần trước khi cuộc chiến leo thang, và chạm đáy trong phiên 5/8, thấp nhất kể từ ngày 12/6.
Những người nông dân có thể bắt đầu đăng ký cho vòng trợ cấp thương mại tiếp theo trong tháng này, nhưng những bất ổn trong thương mại khiến việc lên kế hoạch dài hạn trở nên khó khăn.
“Chúng tôi rất biết ơn các khoản viện trợ. Nó giúp ích nhiều nhưng chúng tôi muốn một thị trường tự do để đảm bảo sự ổn định trong ngành”, theo Derek Sawer, 39 tuổi, một người trồng ngô, đậu nành, lúa mỳ và chăn nuôi gia súc.
“Hiện có rất nhiều biến động vì không ai nắm được luật chơi và không ai biết nên mong đợi gì tiếp theo”.
Theo Reuter