Làm thế nào con bạn có thể vào 1 trường công tốt ở Trung Quốc? Ngoài số tiền lên tới 1 triệu USD, các vị phụ huynh Trung Quốc còn phải mất nhiều năm trời chuẩn bị và cần đến cả một chút may mắn.
Cách đây vài tháng, Wang Xuetao mua 1 căn hộ đã xuống cấp đến nỗi những bức tường bê tông dường như sắp đổ xuống. Nếu mọi thứ đi đúng hướng, cú đặt cược của Wang sẽ đảm bảo con của cô có thể chắc suất nhập học vào một trong những ngôi trường công hot nhất ở Trung Quốc. Đó chính là bước khởi đầu để ở lại tầng lớp trung lưu. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa cả gia đình sẽ mất 7 năm sinh sống trong căn hộ rộng 71m2 đã được xây từ tận những năm 1960.
Nhưng trước hết việc tiếp theo mà Wang cần làm là có thai.
"Vị trí căn hộ sẽ giúp đảm bảo con của tôi được vào học ở 1 trường tiểu học tốt", Wang nói. "Tôi cần phải lên kế hoạch trước nhiều năm bởi vì không phải là người có thể dễ dàng có được số tiền lớn đến vậy". Căn hộ mà Wang vừa mua có giá 800.000 USD.
Wang đang sửa sang cải tạo lại căn hộ đã có tuổi đời mấy chục năm.
Wang chính là một phần của xu hướng đang khiến giá nhà ở nhiều nơi tại Trung Quốc tăng vọt và khiến các cơ quan quản lý lo ngại. Trong khi ở Mỹ các hộ gia đình chạy trốn khỏi thành phố, tìm tới các vùng ngoại ô vì đại dịch, các gia đình ở Trung Quốc lại chạy đua săn lùng những căn hộ khá chật chội và cũ kỹ nhưng nằm gần các trường công tốt.
Ở Mỹ giá nhà tại những khu vực gần trường công tốt thường cũng cao hơn, nhưng các bậc cha mẹ sẽ chọn cách thuê nhà. Còn ở Trung Quốc, nhiều trường yêu cầu cha mẹ phải sở hữu nhà tại khu đó từ nhiều năm trước.
Yêu cầu này tạo ra một cuộc chạy đua khốc liệt. Khoảng 18 triệu học sinh bước vào lớp 1 mỗi năm nhưng chỉ có khoảng 20% trong số đó thi đỗ đại học. Để đảm bảo con mình được tiếp cận với các trường tốt nhất – mà thường tập trung ở những thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, những người như Wang khiến giá nhà càng bị đẩy lên.
Cơn sốt đặc biệt rõ nét ở Thượng Hải. Giá nhà tại các quận có trường công tốt nhất đã tăng trung bình 20% trong 1 năm vừa qua, theo Urban Surveyors. Một căn hộ 2 phòng ngủ hoàn toàn có thể đạt mức giá 3,6 triệu USD, cao gần gấp đôi so với mức trung bình ở các thành phố Kensington và Chelsea của Anh.
Trước tình hình này, chính phủ Trung Quốc đã tung ra nhiều biện pháp can thiệp, ví dụ như yêu cầu người mua phải có tối thiểu 5 năm nộp thuế thu nhập cá nhân tại địa phương đó mới đủ tiêu chuẩn để mua nhà. Kể cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã phải lên tiếng hồi tháng 3 rằng giá bất động sản gần trường học đang vượt ngoài tầm kiểm soát và cam kết sẽ giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục.
Theo Chen Jie, giáo sư tại ĐH Jiao Tong, nguyên nhân sâu xa không thuộc về thị trường bất động sản mà Trung Quốc cần phải cải cách hệ thống giáo dục. Trẻ em từ các bối cảnh kinh tế xã hội khác nhau cần được tiếp cận các cơ hội giáo dục như nhau.
Các chính sách mới khiến những bậc cha mẹ như Molly Zhu khốn đốn. Cô đã đổi 1 căn hộ lớn ở Thượng Hải để mua 1 căn hộ nhỏ hơn, cũ hơn nhưng có giá tới triệu đô chỉ để giữ chỗ học cho đứa con trai 3 tuổi. Nhưng 2 tháng sau trường thông báo kể cả như vậy cũng không đảm bảo chắc chắn con trai cô sẽ được giữ chỗ. "Đây là lần đầu tiên cuộc đời tôi còn kịch tính hơn cả show truyền hình. Tôi đang sống trong 1 thế giới mà các chính sách không bao giờ ngừng thay đổi".
Ví dụ của Zhu cho thấy chính phủ Trung Quốc cần phải cân bằng các yếu tố như thế nào khi đưa ra các chính sách. Cơ quan chức năng đang cố gắng hạ nhiệt giá bất động sản mà không gây ra bất ổn xã hội. Vì thiếu kênh đầu tư, các hộ gia đình Trung Quốc hiện có khoảng 78% tài sản gắn liền với bất động sản, tỷ lệ cao hơn gấp đôi so với ở Mỹ.
Về phần mình, hiện tại Wang vẫn đang kiên định với kế hoạch của mình và sẽ sử dụng kinh nghiệm thiết kế nội thất để cải tạo căn hộ vừa mua.
Tham khảo Bloomberg