Trong số hơn 13.000 ca bệnh được báo cáo hôm nay, có 1.455 bệnh nhân có triệu chứng và 11.691 ca không có triệu chứng. Không có ca tử vong mới nào được ghi nhận, Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết trong một tuyên bố.
Đáng chú ý, các quan chức y tế ở Tô Châu (tỉnh Giang Tô) – một thành phố cách Thượng Hải 30 phút di chuyển về phía Tây, đã phát hiện một dòng đột biến của biến thể Omicron chưa từng được ghi nhận trước đó trong cơ sở dữ liệu địa phương hoặc quốc tế.
“Điều này có nghĩa là một dòng mới của biến thể Omicron đã được tìm thấy trong cộng đồng”, Tân Hoa Xã đưa tin, dẫn lời Zhang Jun, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Tô Châu.
Theo Global Times, dòng biến thể mới được tìm thấy ở một bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ. Dòng này phát triển từ nhánh BA.1.1 của biến thể Omicron . Kết quả giải trình tự gien cho thấy dòng này không giống với các dòng biến thể khác đang lây lan ở Trung Quốc, và không giống với những biến thể đã được báo cáo trên cơ sở dữ liệu GISAID.
Tại thành phố Thượng Hải – một trong những ổ dịch lớn nhất ở Trung Quốc vào thời điểm hiện tại, gần như toàn bộ 25 triệu dân đã được yêu cầu hạn chế ra đường để làm giảm tốc độ lây lan của dịch bệnh.
Ngày 3/4, Thượng Hải ghi nhận thêm hơn 8.200 ca bệnh, chiếm gần 70% tổng số ca bệnh trên toàn quốc.
Hàng nghìn nhân viên y tế từ các tỉnh lân cận như Giang Tô, Chiết Giang đã được điều động đến Thượng Hải để hỗ trợ xét nghiệm và xây dựng bệnh viện dã chiến. Ngoài vật tư y tế, thực phẩm và các nhu yếu phẩm hàng ngày khác cũng đang được gửi đến Thượng Hải để đảm bảo người dân địa phương duy trì cuộc sống bình thường.
Chính quyền Thượng Hải hôm nay thông báo người dân nên tự xét nghiệm kháng nguyên (test nhanh) tại nhà và báo cáo lại nếu có kết quả dương tính. Một đợt xét nghiệm toàn thành phố sẽ được tiến hành vào thứ Hai, 4/4.
Các lệnh hạn chế của Thượng Hải được cho là có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, khi công ty vận tải Maersk cho biết hôm 1/4 rằng một số kho hàng trong thành phố vẫn đóng cửa và các dịch vụ vận tải đường bộ có khả năng sẽ bị ngưng trệ.
Trung Quốc hiện là một trong số ít những quốc gia còn theo đuổi chiến lược “zero COVID”.
Michael Ryan – một quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuần trước cho biết điều quan trọng với tất cả các quốc gia, bao gồm Trung Quốc, là phải có kế hoạch giảm thiểu các lệnh hạn chế.
Tuy nhiên, ông cho biết dân số khổng lồ của Trung Quốc là một thách thức đặc biệt đối với hệ thống y tế của nước này, và các nhà chức trách sẽ phải "xác định một chiến lược cho phép họ thoát khỏi đại dịch một cách an toàn".