Theo dữ liệu từ Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG ) của Mỹ được giao cho Liên minh châu Âu (EU) đã tăng gần 20% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể trong giai đoạn từ ngày 1 đến ngày 23/4, lượng LNG từ Mỹ vào châu Âu đã tăng từ 4,1 bcm lên 4,8 bcm, tương ứng tăng 18%. Sự gia tăng này chủ yếu đến từ việc Tây Ban Nha mua nhiều hơn loại khí lạnh này.
Cũng trong cùng thời gian, nguồn cung cấp LNG của Nga cho EU, chủ yếu từ nhà máy LNG Arctic Yamal, đã giảm 35% từ 1,8 xuống còn 1,1 bcm.
Toàn bộ lục địa châu Âu, bao gồm Vương quốc Anh và Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm 80% lượng xuất khẩu của Mỹ. Các nước nhập khẩu lớn nhất là Pháp mua 14,3% sản lượng của Mỹ, tiếp theo là Vương quốc Anh với 13,6% và Thổ Nhĩ Kỳ với 12,2%. Lượng xuất khẩu của Mỹ sang Tây Ban Nha tăng đáng kể, tăng gấp 5 lần lên gần 1,2 bcm.
Một số quan chức châu Âu cho biết họ sẵn sàng mua nhiều năng lượng hơn từ Mỹ bởi mối đe dọa về thuế quan vẫn còn hiện hữu. EU cũng đang xem xét về việc nới lỏng các quy tắc phát thải khí metan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao hàng tại Mỹ.
Trong khi đó, lượng khí đốt do Nga cung cấp cho EU phải đối mặt với nhiều trở ngại khi giảm 35% so với cùng kỳ tháng 4/2024. Nhà cung cấp Novatek của Nga cũng phải đối mặt với việc dừng hoạt động bất ngờ của dây chuyền Train 3 thuộc nhà máy Yamal LNG vào tháng 4.
Lượng xuất khẩu LNG của Nga và Hoa Kỳ từ ngày 1 đến ngày 23 tháng 4 năm 2024 và 2025. (Nguồn: IEEFA)
Ngoài ra lệnh cấm trung chuyển của EU có hiệu lực vào cuối tháng 3 cũng có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của Nga. Theo chính sách mới, các nhà ga của EU bị cấm nạp LNG từ Nga. Kể từ đó, Novatek đã phải dùng đến hình thức chuyển tàu sang tàu (ship to ship/STS). Kể từ đầu năm, điểm trung chuyển chính tại Đảo Kildin gần Murmansk đã chứng kiến 17 hoạt động STS như vậy, gần bằng con số 18 được ghi nhận trong cả năm 2024.
Theo Nikkei Asia, Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG ) từ Mỹ kể từ ngày 6/2/2025. Nguyên nhân chính là mức thuế trả đũa 15% mà Bắc Kinh áp đặt lên LNG Mỹ, khiến việc nhập khẩu nhiên liệu này trở nên quá đắt đỏ đối với người mua Trung Quốc.
Việc ngừng nhập LNG từ Mỹ phản ánh rõ nét sự đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gây ra, buộc các công ty phải tìm nguồn cung thay thế. Trong năm 2024, Mỹ chiếm 5,5% tổng lượng LNG nhập khẩu của Trung Quốc, nhưng con số này đã giảm xuống chỉ còn 1,3% trong năm 2025.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc ngừng nhập LNG từ Mỹ. Trong cuộc chiến thương mại dưới thời Tổng thống Donald Trump, Trung Quốc cũng từng áp thuế trả đũa khiến tỷ trọng LNG Mỹ trong tổng nhập khẩu LNG của nước này giảm xuống còn 0,4% vào năm 2019.