Quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Canada tiếp tục xấu đi bởi một loạt diễn biến mới sau vụ giám đốc tài chính Tập đoàn Thiết bị viễn thông Huawei, bà Meng Wanzhou, bị Ottawa bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ vào đầu tháng 12-2018.
Tranh cãi mới nhất liên quan đến án tử hình dành cho công dân Canada tên Robert Lloyd Schellenberg vì tội buôn bán ma túy tại phiên tòa hôm 14-1 ở TP Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Theo Tân Hoa Xã, người này bị bắt hồi tháng 12-2014 và lãnh án 15 năm tù trong phiên tòa hôm 20-11-2018. Đến ngày 29-12-2018, Tòa án Tối cao tỉnh Liêu Ninh ra lệnh xét xử lại vụ án sau khi các công tố viên cho rằng mức án quá nhẹ.
Giới phân tích cho rằng động thái lật lại vụ án lúc này là hành động trả đũa của Bắc Kinh đối với vụ bà Meng, người đang được cho bảo lãnh tại ngoại.
Ông Donald Clarke, chuyên gia về luật pháp Trung Quốc tại Trường ĐH George Washington (Mỹ), chỉ ra vài điểm khác thường trong vụ việc của Schellenberg, như tốc độ lên lịch xử lại quá nhanh và mời truyền thông quốc tế dự phiên tòa.
Theo ông Clarke, Trung Quốc nhiều khả năng muốn cho Canada thấy họ rất nghiêm túc trong việc "giải thoát" bà Meng. Báo South China Morning Post cho biết Washington có thời gian từ giờ đến ngày 29-1 để chính thức yêu cầu dẫn độ bà Meng sang Mỹ để đối mặt các cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của nước này nhằm vào Iran.
Công dân Canada tên Robert Lloyd Schellenberg bị kết án tử hình tại phiên tòa hôm 14-1. Ảnh: REUTERS
Phản ứng trước bản án, Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 14-1 tuyên bố nước ông sẵn sàng can thiệp vào vụ việc, đồng thời chỉ trích Trung Quốc "tùy tiện" áp dụng hình phạt tử hình. Theo ông Trudeau, mọi quốc gia trên thế giới nên lo ngại hành vi của Bắc Kinh.
Trong khi đó, Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada hôm 15-1 cảnh báo công dân về nguy cơ thực thi luật pháp "tùy tiện" ở Trung Quốc. Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày khẳng định vụ án có đủ bằng chứng và không có gì mờ ám.
Sức ép của Bắc Kinh lên Otawa còn đến từ vụ 2 công dân Canada - Michael Kovrig và Michael Spavor - bị bắt giữ gần đây với cáo buộc gây nguy hại an ninh quốc gia Trung Quốc.
Ông Phil Calvert, chuyên gia tại Trường ĐH Victoria (Canada), nhận định với tờ South China Morning Post rằng tranh cãi liên quan đến 3 công dân Canada nói trên sẽ khiến quan hệ hai nước nguội lạnh và cản trở tiến trình đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do.
Cũng theo ông Calvert, các hành động trả đũa của Trung Quốc dường như không giúp ích gì trong vụ bà Meng mà còn gây tổn hại đến chính mình, như ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh ngoại giao, môi trường kinh doanh và đầu tư trong nước…
Mặt khác, chuyên gia Scott McKnight của Trường ĐH Toronto (Canada) nhắc nhở Otawa phải thận trọng hơn bởi còn khoảng 200 người Canada đang bị tạm giữ ở Trung Quốc. Với việc Schellenberg chỉ có 10 ngày để kháng cáo, Canada đang đối mặt sức ép phải nhanh chóng tiếp xúc với Trung Quốc.
Luật sư của người đàn ông 36 tuổi này hôm 15-1 cho biết thân chủ ông sẽ kháng cáo sau khi lập luận không có bằng chứng mới nào được đưa ra tại phiên xét xử mới nhất, dẫn đến việc tăng án là không hợp lý. Trong khi đó, người thân của Schellenberg cho biết nỗi lo sợ lớn nhất của họ đã thành hiện thực - tức căng thẳng đang tăng giữa Bắc Kinh và Ottawa khiến người này gánh chịu bản án nặng hơn.