Trung Quốc đã hạn chế việc xây dựng các toà nhà chọc trời siêu cao tại các thành phố nhỏ hơn, như một phần của kế hoạch trấn áp các dự án lãng phí của chính quyền địa phương.
Bộ Kiến trúc Trung Quốc ngày 26/10 cho biết, nếu không có sự phê duyệt đặc biệt, các thành phố có dân số dưới 3 triệu người sẽ không được xây những toà nhà chọc trời cao hơn 150m. Những thành phố có dân số lớn hơn sẽ không được xây dựng các công trình cao trên 250m.
Những quy định mới còn nghiêm ngặt hơn quy định cấm hiện tại là áp dụng với các toà nhà cao hơn 500m.
Các quan chức phê duyệt các dự án vi phạm luật mới sẽ "phải chịu trách nhiệm cả đời", Bộ cho biết. Điều này có nghĩa là các quan chức sẽ chịu bất kỳ hình phạt nào được quyết định trong tương lai liên quan đến việc vi phạm quy định.
Trung Quốc là nước có một số toà nhà cao nhất thế giới, bao gồm Tháp Thượng Hải cao 632m và Trung tâm Tài chính Bình An cao 599,1m ở Thâm Quyến.
Trong khi Trung Quốc thừa nhận những toà nhà cao tầng thúc đẩy việc sử dụng nguồn tài nguyên đất, thì nhiều người ngày càng lo ngại đến các cơ quan địa phương đang theo đuổi các dự án xây dựng một cách mù quáng mà ít chú ý đến tính thực tế và an toàn.
Đầu năm 2021, một toà nhà chọc trời 71 tầng, cao 356m ở trung tâm Thâm Quyến bị rung lắc liên tục, làm dấy lên nhiều lo ngại về sự an toàn. Các cuộc điều tra cho thấy nguyên nhân là do cột ăng-ten cao 50m trên đỉnh toà nhà bị lung lay do gió mạnh.
Ngay sau sự cố, trong tháng 7, Trung Quốc áp dụng luật cấm trên toàn quốc đối với việc xây dựng các toà nhà vượt quá 500m. Toà nhà ở Thâm Quyến đã mở cửa trở lại trong tháng 9, sau khi cột ăng-ten được tháo dỡ.
Chính quyền địa phương cũng phải kiểm tra các toà nhà siêu cao đã xây dựng, tiến hành rà soát nền móng, cấu trúc, nguồn cung điện, nước và gas, vật liệu được sử dụng, khả năng chống động đất và bảo vệ khỏi hoả hoạn. Các thành phố cũng cần kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng các toà nhà cao tầng ở các khu vực sinh thái nhạy cảm và hành lang thông gió của đô thị.
Theo Reuters