Thông tin xóa nghèo của tỉnh Giang Tô gây xôn xao
Thông tin nói trên đã gây ra tranh cãi gay gắt trong dư luận cũng như trong giới học giả Trung Quốc . Theo báo cáo của tỉnh Giang Tô được công bố hôm thứ Ba, 7/1, tỉnh này chỉ còn 6 hộ gia đình - gồm 17 người - sống trong điều kiện nghèo, sau 4 năm tỉnh thực hiện chiến dịch xóa đói giảm nghèo.
Báo Beijing News dẫn thông tin chính quyền Giang Tô cho biết trong 4 năm qua, 2.54 triệu người đã được thoát nghèo, trong tổng dân số 80.5 triệu người - đưa tỉ lệ xóa nghèo ở tỉnh này lên đến 99.99%.
Quan chức văn phòng xóa nghèo nói, 17 người nghèo còn lại của Giang Tô đều có khả năng làm việc, và 4 trong số đó bị mắc các loại bệnh. Theo quan chức ẩn danh này, thông tin công bố được dựa trên các dữ liệu của tỉnh và quốc gia, thể hiện số người nghèo tính đến ngày 31/12/2019.
"Số liệu đó có thể thay đổi trong 1 tuần. Một vài người có thể thoát nghèo, người khác có thể tái nghèo," quan chức này nói, lưu ý rằng sai số là rất nhỏ.
Mức thu nhập sàn để xác định xóa nghèo của Trung Quốc là 4.000 nhân dân tệ/năm (khoảng 576USD). Quan chức trên nói Giang Tô đã hoàn thành các tiêu chứ từ năm 2015.
Xue Feng, quan chức cấp cao chính quyền hạt Dongtai, tỉnh Giang Tô, nói rằng tiêu chuẩn xóa nghèo ở tỉnh hiện nay là mỗi người dân kiếm được 6.000 tệ/năm.
Giang Tô là địa phương đầu tiên ở Trung Quốc tuyên bố hoàn thành công tác xóa "nghèo tuyệt đối" - khái niệm được xác định với mức thu nhập sàn theo giá cả năm 2011 là 2.300 tệ/người/năm. Đây là một phần trong chiến dịch của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm cơ bản xóa nghèo hoàn toàn ở Trung Quốc và hoàn thành xây dựng xã hội khá giả toàn diện vào năm 2020.
Trung Quốc chưa công bố các số liệu chính thức của cả năm 2019, song chính phủ cho hay số người nghèo đã giảm xuống còn 16.6 triệu vào cuối năm 2018, và có thêm khoảng 10 triệu người thoát nghèo trong năm qua.
Báo cáo "chỉ còn 17 người nghèo" của tỉnh Giang Tô đã gây ra tranh luận gay gắt trên các diễn đàn ở Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
Báo cáo của Giang Tô nhanh chóng gây rúng động trên các nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc. Trong khi giới chức địa phương hồ hởi với thành tích thì nhiều người dân sôi nổi thảo luận về độ chính xác của số liệu. Các hashtag liên quan đến đề tài này đã thu hút hàng trăm triệu lượt theo dõi trên Weibo.
"Làm sao [số liệu thống kê] có thể chính xác đến vậy được?" là một bình luận điển hình.
"Tôi không tin. Chả lẽ ở tỉnh đó không có người thất nghiệp? Không có ăn xin hay sao?" - một người dùng Weibo nghi vấn.
"Thật là trùng hợp, tôi chỉ là một trong số 17 người đó," một người khác chế giễu trên Weibo với hashtag "Giang Tô chỉ có 17 người nghèo".
Nhiều cư dân mạng thì chỉ trích những ý kiến nghi ngờ, cho rằng chúng thể hiện sự thiếu hiểu biết và tôn trọng đối với nỗ lực xóa đói giảm nghèo của đất nước.
"Tôi là một người dân ở Giang Tô. Tôi tin vào báo cáo và thấy thất vọng khi xem những bình luận này. Đã có nhiều thông tin rằng các nhân viên xóa nghèo bị chết vì làm việc quá tải. Công việc của họ thực sự mệt mỏi và khó khăn. Chúng ta nên cảm ơn họ," người dùng Weibo xianggejiahao viết.
Tính đến tối 7/1, hashtag trên đã nằm trong nhóm 3 chủ đề phổ biến nhất trên nền tảng Weibo, trước khi nó bị xóa khỏi danh sách. Số liệu ban đầu - do người đứng đầu Văn phòng Xóa đói giảm nghèo tỉnh Giang Tô Zhu Guobing báo cáo trước Đại hội đại biểu nhân dân tỉnh - đã bị xóa khỏi trang web của Yangtze Evening Post, tờ báo do tỉnh này quản lý, song các phiên bản khác vẫn xuất hiện trên truyền thông Trung Quốc.
Tiêu chuẩn xóa nghèo của Trung Quốc quá dễ dàng?
Giang Tô, một phần của trung tâm sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc, có quy mô kinh tế lớn thứ hai tại Trung Quốc, chỉ sau tỉnh Quảng Đông. GDP địa phương này đã tăng trưởng 6.4% - lên mức 7.22 nghìn tỉ tệ (khoảng 1 nghìn tỉ USD - trong ba quý đầu năm 2019.
"Ở địa phương của chúng tôi mức thu nhập 6.500 tệ là dễ dàng đạt được," ông Xue Feng trả lời Thời báo Hoàn Cầu hôm 8/1.
Thu nhập bình quân đầu người của cư dân hạt Dongtai là 31.817 tệ vào năm 2018, tăng 8.9% so với năm trước đó - theo số liệu trên website chính quyền địa phương.
Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Giang Tô là 38.096 tệ năm 2018, trong đó thu nhập của người dân thành thị là 47.200 tệ và ở nông thôn là 20.845 tệ - theo tờ Economic Daily.
Quan chức xóa nghèo khẳng định nhà chức trách theo đuổi giải pháp thúc đẩy 17 người nghèo còn lại ở Giang Tô thoát nghèo thông qua công ăn việc làm, thay vì viện trợ hay từ thiện.
Theo Xue Feng, các nhân viên sẽ xây dựng hồ sơ của từng hộ nghèo và ghi chép điều kiện cụ thể của từng hộ, bao gồm đất đai, thu nhập và phụ cấp. Công nhân ở địa phương sẽ hỗ trợ người nghèo học nghề và tìm việc làm. Những người mất khả năng làm việc - như người cao tuổi và người khuyết tật - được chính quyền trợ cấp bằng tiền để bảo đảm họ không phải sống trong điều kiện nghèo.
Chính phủ Trung Quốc đầu tư tổng cộng 126.1 tỉ tệ (khoảng 18.1 tỉ USD) trong năm ngoái vào chiến dịch xóa nghèo, nhắm đến những vùng nông thôn đặc thù với 564 triệu người sinh sống. Dù vậy, những nỗ lực này vẫn vấp phải nhiều nghi vấn.
Giáo sư Zheng Yongnian, giám đốc Viện Đông Á tại Đại học quốc gia Singapore, cho rằng chương trình xóa đói giảm nghèo của Trung Quốc - dù có sự can thiệp tốt [của chính phủ Trung Quốc] - vẫn gây ra hàng loạt hệ lụy, như việc trợ cấp cho những kẻ lười biếng.
Một số chuyên gia thì nhận xét mức sàn giới hạn "nghèo tuyệt đối" mà Bắc Kinh đặt ra hiện nay là quá thấp đối với một đất nước có thu nhập trung bình, căn cứ theo các tiêu chí của Ngân hàng thế giới (WB).
Li Xiaoyun, cố vấn Tiểu tổ lãnh đạo Văn phòng công tác xóa đói giảm nghèo thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, cảnh báo tại một diễn đàn gần đây về rủi ro có 30 triệu người dân sẽ tái nghèo nếu thay đổi tiêu chuẩn thu nhập bình quân ngày lên 3.2USD (so với mức 1.9USD), dựa trên số liệu của WB.
Trong thông cáo Hội nghị trung ương 4 của đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11/2019, ban lãnh đạo nước này cam kết xây dựng kế hoạch dài hơi để giải quyết tình trạng "nghèo tương đối", được cho là vạch ra tầm nhìn cho chiến dịch chống nghèo kéo dài qua năm 2020.
Zhuang Deshui, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu kiến tạo chính phủ trong sạch, thuộc Đại học Bắc Kinh, đánh giá báo cáo của Giang Tô ngày 7/1 thể hiện công tác xóa nghèo của Trung Quốc đã trở nên có mục tiêu rõ ràng và chi tiết hơn.
"Nhà chức trách đã làm rõ mức độ nghèo và số người sống trong điều kiện nghèo," Zhuang nói, cho rằng mô hình làm việc dựa trên tình trạng cụ thể của từng hộ nghèo sẽ góp phần thúc đẩy đạt được các mục tiêu giảm nghèo.
Các chuyên gia trả lời Hoàn Cầu, tin rằng cơ chế làm việc theo điều kiện cụ thể cũng giúp ngăn chặn quan chức bản địa tham nhũng bằng cách nộp số liệu giả để bòn rút ngân sách trung ương.
Trong một chiến dịch năm 2017 do Quốc vụ viện và Bộ tài chính Trung Quốc phối hợp phát động, chính quyền đã thu hồi được 730 triệu tệ bị tham ô hoặc biển thủ trong công tác xóa nghèo.