Chè là mặt hàng đóng góp vai trò quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của ngành Nông nghiệp Việt Nam, với khoảng 80% tổng sản lượng hàng năm được cung cấp cho thị trường nước ngoài . Sau thời gian dài bị đình trệ bởi Covid, xuất khẩu chè của Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng trong năm 2024.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan , trong 8 tháng năm 2024 cả nước xuất khẩu 92.800 tấn chè các loại, tương đương 162,62 triệu USD, giá trung bình 1.752,4 USD/tấn, tăng 30,9% về lượng, tăng 33,4% về kim ngạch và tăng 2% về giá so với 8 tháng đầu năm 2023.
Pakistan là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm, đạt 29.570 tấn, tương đương 62,3 triệu USD, tăng 1,8% về lượng, tăng 11,3% về kim ngạch so với 8 tháng đầu năm 2023. Thị trường này chiếm 31,9% trong tổng khối lượng và chiếm 38,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chè của cả nước.
Đài Loan (Trung Quốc) đứng vị trí thứ 2, chiếm trên 10% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu chè của cả nước, đạt 9.769 tấn, tương đương 16,77 triệu USD, tăng 2,9% về lượng, tăng 7% kim ngạch.
Đáng chú ý nhất là thị trường Trung Quốc . Thị trường này vươn lên đứng thứ 3 trong năm 2024, chiếm 9,7% trong tổng khối lượng và chiếm 8,1% trong tổng kim ngạch, đạt 9.022 tấn, tương đương 13,16 triệu USD, tăng 230% về lượng, tăng 107% về kim ngạch. Giá xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc thấp hơn so với Pakistan và Đài Loan và thấp hơn giá toàn thị trường.
Mức tăng cao vượt bậc chủ yếu do mức nền thấp hồi đầu năm 2023 và do xuất khẩu chè đã tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm 2023, tạo đà cho năm 2024. Theo thống kê Hải quan Trung Quốc, Việt Nam là một trong những nhà cung cấp chè lớn nhất cho nước tỷ dân, chỉ đứng sau Srilanca.
“Trung Quốc có lẽ không mặn mà lắm với cà phê, nhưng chè thì chỉ cần ngon miệng, bao nhiêu cũng có thể tiêu thụ hết", đại diện một công ty chuyên giao dịch nông sản cho hay.
Trung Quốc đang phải đối mặt với việc giống chè bị lão hóa. Các vườn chè lâu năm có độ tuổi 25 năm trở lên chiếm 1/4 diện tích, cây chậm phát triển, dinh dưỡng mất cân bằng, sản lượng thấp. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang thiếu hụt công nhân hái chè lành nghề, gây khó khăn cho việc sản xuất chè chất lượng cao, chi phí nhân công tăng mỗi năm...
Tính đến nay, sản phẩm chè Việt Nam đã có tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với giá trị xuất khẩu hàng năm đạt khoảng hơn 200 triệu USD. Nhờ đó, Việt Nam tự hào đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chè , đứng thứ 7 về sản xuất chè toàn cầu.
Hiệp hội chè Việt Nam đánh giá, những năm gần đây, năng suất và sản lượng chè của Việt Nam liên tục tăng nhờ sự chuyển biến tích cực về giống, kỹ thuật canh tác và tổ chức sản xuất.
Bên cạnh đó, nhiều cơ chế, chính sách đã được các cấp từ Trung ương đến địa phương ban hành nhằm phát triển sản xuất và tiêu thụ chè . Ngành chè cũng mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống người dân
Theo Công Thương, nghiên cứu từ Research and Markets cho thấy, thị trường chè toàn cầu đạt 24,3 tỷ USD trong năm 2016, dự kiến sẽ đạt 37,5 tỷ USD vào năm 2025. Mức tăng trưởng của ngành chè ngày càng cao do lối sống thay đổi và tăng nhận thức của người tiêu dùng về việc uống chè có lợi cho sức khỏe. Đây là tín hiệu tích cực để ngành chè Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.