Vào thời điểm quan hệ với Mỹ đang căng thẳng, Trung Quốc dự định sẽ hợp nhất 3 công ty khai thác đất hiếm quốc doanh thành lập một công ty đất hiếm lớn nhất thế giới nhằm duy trì vị thế thống lĩnh trong chuỗi cung ứng. Theo Wall Street Journal, công ty mới thành lập sẽ có tên là Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc (China Rare Earth Group) và sớm nhất sẽ được thành lập tại Giang Tây trong tháng này.
Đất hiếm luôn là nguồn tài nguyên chiến lược quan trọng mà các nước Âu Mỹ đang cạnh tranh với nhau. Từ chip điện thoại đến máy bay, tên lửa đều không thể tách rời đất hiếm. Nước nào nắm giữ được nguồn đất hiếm, nước đó sẽ có ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất của nhiều ngành công nghệ cao và thậm chí cả chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu.
Trên thực tế, các nước Âu Mỹ đang vô cùng mong muốn có thể đảm bảo nguồn cung cấp các khoáng chất chính như đất hiếm, lithium và borum. Những khoáng chất này có vai trò rất quan trọng đối với các công nghệ đang phát triển như xe điện, vệ tinh và tuabin gió.
Theo bài báo, Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc sẽ được thành lập dưới sự hợp nhất của China Minmetals Corporation, công ty khai khoáng China Aluminum Corporation và một công ty thuộc thành phố Cám Châu thuộc tỉnh Giang Tây - khu vực giàu tài nguyên đất hiếm. Những người trong ngành cho biết, sau khi sáp nhập và tổ chức lại, quyền định giá và tiếng nói của Trung Quốc đối với giá đất hiếm toàn cầu có thể được nâng cao lên rất nhiều. Hơn nữa, cũng có thể mở rộng tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc trong lĩnh vực đất hiếm.
Theo số liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), trữ lượng đất hiếm đã được kiểm chứng của thế giới vào năm 2020 là khoảng 120 triệu tấn, trong đó trữ lượng của Trung Quốc là 44 triệu tấn, chiếm khoảng 36,7% trữ lượng toàn cầu, đứng đầu trên toàn thế giới. Trung Quốc cũng là nhà sản xuất tinh quặng đất hiếm hàng đầu thế giới, năm 2020, sản lượng tinh quặng đất hiếm toàn cầu đạt khoảng 240.000 tấn REO (oxit nguyên tố đất hiếm), trong đó sản lượng của Trung Quốc đạt 140.000 tấn REO, chiếm 58%.
Chen Li, nhà kinh tế trưởng của Chuancai Securities cho biết, khi việc tái tổ chức các công ty đất hiếm của Trung Quốc thành công, công ty lớn sau khi được sáp nhập mỗi năm sẽ sở hữu 70% sản lượng đất hiếm nặng và 40% đất hiếm nhẹ của Trung Quốc và trở thành công ty thống trị đất hiếm hàng đầu thế giới.
Hiện nay, Trung Quốc ngày càng chú trọng hơn đến giá trị chiến lược của đất hiếm, trong những năm gần đây, hàng loạt chính sách đã được ban hành nhằm chấn chỉnh và tiêu chuẩn hóa việc quản lý ngành công nghiệp đất hiếm, đồng thời, các hạn chế về nguồn cung ngày càng được tăng cường mạnh mẽ.
Kể từ năm 2006, tổng lượng chỉ tiêu kiểm soát khai thác đất hiếm được đưa ra theo từng năm, năm 2020, chỉ tiêu kiểm soát là 140.000 tấn, bất kì đơn vị hay cá nhân nào cũng không được phét sản xuất vượt chỉ tiêu. Ngoài ra, công suất nấu luyện và phân tách cũng phải được kiểm soát trên toàn bộ khối lượng, và công suất mới cần phải được đệ trình, phê duyệt.
Đặc biệt là trong thời đại trung hoà carbon, nhờ việc giải phóng toàn diện các nhu cầu trong lĩnh vực như xe năng lượng mới, điện gió và máy điều hòa không khí, nhu cầu về đối với NdFeB cũng đã tăng lên đáng kể, thúc đẩy việc sử dụng đất hiếm. Theo ước tính, từ năm 2020 đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của nhu cầu đối với NdFeB sẽ tăng từ 11% lên 20% và tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của nhu cầu đất hiếm sẽ tăng từ 7,26% lên 12%.