Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam ( VASEP ) - cho biết, trong quý đầu năm, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt gần 2 tỷ USD, cao hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc là nhóm 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất.
Đáng chú ý, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, Nhật Bản tăng mạnh nhất, trong khi thị trường truyền thống của thủy sản Việt Nam là Trung Quốc chỉ tăng nhẹ 0,4%.
Theo ông Hòe, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc giảm chủ yếu do cá tra và các loại cá biển suy giảm. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm hùm và cua sang thị trường này lại bứt phá mạnh mẽ trong quý I năm nay. Trong đó tôm hùm tăng gấp 11 lần, cua tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải về điều này, ông Hòe cho biết do Trung Quốc đang siết chặt kiểm tra nhập khẩu tôm từ Ecuador khiến cho nguồn cung nước này giảm, tạo dư địa cho tôm hùm và tôm chân trắng Việt Nam. Chỉ trong quý I, tôm chân trắng Việt Nam sang Trung Quốc tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Với vấn đề xuất khẩu tôm hùm bông sang thị trường Trung Quốc, đại diện VASEP cho biết, sau kiến nghị của hiệp hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã làm việc với phía bạn, thống nhất phối hợp xử lý vướng mắc trong xuất nhập khẩu tôm hùm bông theo cơ chế đặc biệt và sẽ đưa vào nghị định thư giữa hai nước.
"Với nhu cầu khá cao, xuất khẩu sang Trung Quốc dịp đầu năm tập trung tôm hùm xanh sống và sản phẩm tôm hùm bông đông lạnh. Do mặt hàng tôm hùm bông vẫn khá khó khăn nên nhiều người nuôi loại tôm này đã chuyển sang nuôi tôm hùm xanh", đại diện VASEP chia sẻ.
Chia sẻ với PV Tiền Phong , lãnh đạo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường - Bộ NN&PTNT cho biết, đến thời điểm này, cơ quan chức năng hai nước vẫn đang phối hợp gỡ vướng cho mặt hàng tôm hùm bông .
Theo vị này, phía Trung Quốc cho biết sẽ tạo cơ chế cho Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này. Hiện, Cục đang thúc đẩy các địa phương khẩn trương phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát, kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện cơ sở nuôi tôm hùm (đặc biệt các sơ sở xuất khẩu tôm hùm bông ), cơ sở ương dưỡng giống tôm hùm.
"Sau khi phía Trung Quốc cung cấp đủ thông tin và biểu mẫu đăng ký mới, các cơ quan, đơn vị tổ chức của bộ sẽ thực hiện rà soát, thẩm tra và hoàn thiện danh sách các cơ sở nuôi tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc đáp ứng các quy định của Việt Nam và Trung Quốc", lãnh đạo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho hay.
Hiện thị trường Trung Quốc chiếm 98-99% sản lượng tôm hùm xuất khẩu của Việt Nam. Về lâu dài, Bộ NN&PTNT đang nghiên cứu để làm chủ công nghệ sản xuất giống tôm hùm bông nhân tạo. Đến nay, chỉ còn một giai đoạn lột xác nữa là Việt Nam sẽ sản xuất ra được con giống.
Trước đó, vào tháng 9/2023, người dân ở Khánh Hòa và Phú Yên gặp chuyện "chưa từng có tiền lệ" khi giá tôm hùm bông chỉ còn một nửa (hơn 1 triệu đồng/kg) và rẻ hơn tôm hùm xanh do phía Trung Quốc triển khai Luật Bảo vệ động vật hoang dã mới. Do đó, các doanh nghiệp phải chứng minh là tôm giống không được đánh bắt trực tiếp từ biển, không sử dụng giống khai thác từ tự nhiên, nghĩa là con giống phải là thế hệ F2; đơn vị nhập khẩu phải có giấy phép...