Trước làn sóng Covid-19 mới, quá trình tái mở rộng hoạt động của các nhà máy tại quốc gia tỷ dân trong tháng 7 ở mức thấp nhất trong vòng 17 tháng qua với chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chỉ giảm xuống 50,4 điểm từ mốc 50,9 điểm trong tháng 6. Điều này ngay lập tức tác động lên giá nguyên nhiên liệu của Trung Quốc, gây ảnh hưởng trực tiếp tới giá trên các sàn quốc tế.
Theo đó, trên sàn Comex, giá đồng giao tháng 9 giảm 1,4% so với hôm thứ hai, chỉ còn 9.619 USD/tấn.
Sản lượng đồng thô nhập khẩu của Trung Quốc cũng đang trong xu hướng giảm dài hạn từ mốc đỉnh cao 762.211 tấn vào tháng 7/2020. Theo phân tích của Roskill, việc nước này gia tăng nhập khẩu đồng phế liệu lên gấp đôi chỉ trong vòng nửa đầu năm 2021 đã khiến các mặt hàng tinh chế hoặc thô không còn được ưa chuộng trong danh mục.
Hãng đánh giá Fitch Solutions cho hay đơn vị này vẫn tin tưởng vào xu hướng tăng giá của kim loại thế giới, bất chấp biến động bất thường trong những ngày gần đây do biến chủng mới của Covid-19 gây ra. “Các nhà đầu tư sẽ vẫn đặt cược vào lực cầu khi kinh tế thế giới phục hồi bất cứ lúc nào ảnh hưởng của Covid-19 yếu đi”.
Trong một diễn biến khác, giá đồng tương lai có thể chịu áp lực tăng giá khi các nhà sản xuất đồng lớn nhất thế giới tại Chile đối diện với làn sóng đình công mạnh mẽ. Nắm trong tay sản lượng lên tới 1,2 triệu tấn, chiếm 7% lượng cung toàn cầu trong năm 2020, các nhà quản lý khai thác tại mỏ Escondida vẫn chưa thể đạt được thoả thuận về việc tăng lương cho công nhân, bất chấp chính quyền Chile đã có những động thái ban đầu về gói hỗ trợ hàng nghìn tỷ USD với các công ty thuộc ngành sản xuất và khai thác nhiên liệu công nghiệp.