Trong bối cảnh Bắc Kinh hành động để kiểm soát chặt hơn hoạt động vay nợ trong lĩnh vực bất động sản, các công ty phát triển bất động sản đang trở thành tâm điểm trong làn sóng vỡ nợ trái phiếu kỷ lục ở Trung Quốc.
Theo dữ liệu Bloomberg thống kê, các công ty bất động sản chiếm 27% tổng các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp trong và ngoài nước của quý trước. Tổng số trái phiếu vỡ nợ trị giá 15,1 tỷ USD, trong đó riêng vỡ nợ trái phiếu nội địa là 11,4 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với kỷ lục cũ vừa được lập 1 năm trước. Giá trị các vụ vỡ nợ trái phiếu nước ngoài cũng tăng gần gấp 3.
Vì dịch bệnh đã tạm thời lùi xa, gần đây chính phủ Trung Quốc đang một lần nữa tập trung vào giảm rủi ro trong hệ thống tài chính, trong đó có nỗ lực giảm nợ trên thị trường bất động sản. Tháng trước, quan chức giám sát ngành ngân hàng hàng đầu đã bày tỏ lo ngại về bong bóng bất động sản. Những diễn biến gần đây của thị trường cũng cho thấy rủi ro đối với nhà đầu tư ngày càng tăng. Các công ty bất động sản chính là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất trong chiến dịch giảm đòn bẩy của Bắc Kinh.
"Các nhà hoạch định chính sách sẽ cho phép nhiều công ty phá sản hơn trong năm nay, đặc biệt là các doanh nghiệp quốc doanh nợ nần chồng chất hoạt động trong lĩnh vực năng lượng và bất động sản", Huang Weiping, chuyên gia phân tích tại Industrial Securities nhận định.
Vài năm gần đây, tỷ trọng của các công ty bất động sản trong các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp ở Trung Quốc tăng rất nhanh. Trong quý I, 2 vụ đáng chú ý nhất là China Fortune Land Development và Tianjin Real Estate, mỗi công ty vỡ nợ hơn 10 tỷ nhân dân tệ. Ở ngoài ngành bất động sản nhưng cũng có quy mô tương tự là vụ vỡ nợ của hãng hàng không Hainan Airlines và công ty máy tính Tsinghua Unigroup.
Xét theo địa phương, Hải Nam là tỉnh vỡ nợ trái phiếu trong nước nhiều nhất, tổng trị giá 23 tỷ nhân dân tệ. Bắc Kinh và Thiên Tân đứng thứ 2 và thứ 3.
Tham khảo Bloomberg