Theo báo Công thương, 6 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc tăng nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam, tăng 46% về lượng và tăng 33,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 273,54 nghìn tấn, trị giá 1,1 tỷ USD.
Sở dĩ sầu riêng Việt Nam có bước tiến lớn tại thị trường Trung Quốc là do ở nước ta, loại quả này có sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm. Bên cạnh đó, sầu riêng Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc được vận chuyển nhanh chóng và có giá thành cạnh tranh.
Sầu riêng của Việt Nam có vị ngọt đậm đà, béo ngậy, chín mềm nên cũng được người Trung Quốc đặc biệt yêu thích.
Người Trung Quốc chế biến sầu riêng thành nhiều món
Người Trung Quốc thu mua sầu riêng để ăn trực tiếp hoặc chế biến thành nhiều món tráng miệng khác nhau như kẹo sầu riêng , kem sầu riêng ,...
Một số đầu bếp ở Trung Quốc dùng sầu riêng để làm nước xốt ăn cùng với một số loại hải sản. Cụ thể, thịt quả sầu riêng sẽ được tách ra và trộn cùng với chanh dây, phô mai. Đầu bếp sẽ quết hỗn hợp nước xốt này lên hàu trước khi nướng hoặc dùng như 1 loại xốt chấm cho món tôm tẩm bột chiên giòn,...
Ngoài phần thịt quả, vỏ sầu riêng cũng được người Trung Quốc thêm vào các món canh, điển hình là canh gà hầm sầu riêng (sử dụng cả phần thịt quả và phần cùi vỏ sầu riêng ) hoặc canh sườn heo hầm cùi sầu riêng . Theo y học cổ truyền Trung Quốc, cùi sầu riêng cũng chứa nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, giúp thanh nhiệt, dùng để nấu canh sẽ giúp bồi bổ cơ thể.
Để làm món canh hầm với cùi sầu riêng , người Trung Quốc sẽ lọc lấy phần cùi trắng ở vỏ quả sầu riêng , cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn. Sau đó họ sẽ hầm gà hoặc sườn lợn đến khi nhừ và cho phần cùi sầu riêng , táo đỏ hoặc một số nguyên liệu khác như cà rốt, ngô vào nấu cùng.
Người Trung Quốc dùng sầu riêng và cùi sầu riêng để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. (Ảnh: HK01, Douguomeishi)
Lợi ích của sầu riêng
Phần thịt quả sầu riêng chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe bao gồm chất xơ, chất béo, protein, các loại vitamin C, vitamin nhóm B và các loại khoáng chất như mangan, kali, đồng, magie. Sầu riêng cũng rất giàu chất chống oxy hóa như anthocyanin, carotenoid, polyphenol và flavonoid.
Chất xơ trong sầu riêng có thể tăng cường sức khỏe tiêu hóa bằng cân bằng hệ vi sinh đường ruột, phòng ngừa táo bón và thúc đẩy vi khuẩn probiotic giải phóng các hợp chất gọi là axit béo chuỗi ngắn (SCFA), từ đó giúp giảm tình trạng viêm ruột.
Một số hợp chất trong sầu riêng như magie, kali, chất béo không bão hòa đơn có thể giúp giảm cholesterol, ổn định huyết áp và giảm nguy cơ xơ vữa động mạch hoặc xơ cứng động mạch, từ đó hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.
Hàm lượng vitamin C và chất chống oxy hóa flavonoid, carotenoid trong sầu riêng rất cần thiết cho chức năng miễn dịch. Do đó, ăn sầu riêng giúp tăng cường miễn dịch, giúp bảo vệ cơ thể khỏi những tổn thương do quá trình oxy hóa gây ra, chống viêm và giảm nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính.
Phần cùi sầu riêng cũng chứa nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Theo y học cổ truyền Trung Quốc, cùi sầu riêng có tính ấm, vị hơi đắng chát, quy vào kinh can, phổi thận, có tác dụng bồi bổ sức khỏe, làm ấm phổi, xua tan cảm lạnh.
Phần cùi sầu riêng còn có tác dụng bổ thận tráng dương, tăng cường thể lực với nam giới.
Với nữ giới, sử dụng cùi sầu riêng cũng có thể giúp giảm tình trạng suy nhược, giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi sau sinh, thúc đẩy lưu thông khí huyết, giúp giảm tình trạng đau bụng kinh.
Lưu ý khi ăn sầu riêng
Sầu riêng chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe nhưng đồng thời cũng chứa nhiều calo, do đó mọi người nên hạn chế ăn quá nhiều, đặc biệt là những người bị thừa cân, béo phì.
Những người mắc bệnh đái tháo đường không nên ăn quá nhiều sầu riêng bởi sầu riêng chứa nhiều đường fructose và glucose.
Người cao tuổi cần hạn chế ăn nhiều sầu riêng vì chất cellulose chứa trong thịt sầu riêng có nguy cơ gây táo bón, tắc ruột.