Tòa án Nhân dân Trung cấp TP Ninh Ba (NMIPC), tỉnh Chiết Giang - Trung Quốc hôm 26-3 đã tuyên phạt 14 năm tù giam đối với ông Lỗ Vĩ, cựu Giám đốc Cơ quan Quản lý không gian mạng (CAC) thuộc Ban Tuyên truyền Trung ương Trung Quốc, vì tội nhận hối lộ. Ngoài ra, ông Lỗ còn bị NMIPC yêu cầu nộp phạt 3 triệu nhân dân tệ (450.000 USD). Cựu giám đốc CAC cho biết sẽ không kháng án.
Tham ô trên mọi cương vị
Ông Lỗ "đã nhận tội, thể hiện sự ăn năn, tích cực trả lại tiền cũng như tài sản tham nhũng" và đây là căn cứ để khoan hồng - NMIPC nhận xét.
Theo các công tố viên, ông Lỗ lợi dụng chức vụ để nhận hối lộ trực tiếp và gián tiếp thông qua bên thứ ba trong suốt thời gian làm việc tại các cơ quan nhà nước, như Tân Hoa Xã, Thành ủy Bắc Kinh, CAC và Ban Tuyên truyền Trung ương Trung Quốc.
Cụ thể, NMIPC cho biết ông Lỗ đã sử dụng mọi cương vị của mình từ năm 2002 đến năm 2017 để giúp nhiều tổ chức và cá nhân trong vấn đề quản lý internet, điều hành doanh nghiệp, thăng chức cá nhân và luân chuyển công tác. NMIPC khẳng định với hành vi này, ông Lỗ đã nhận hối lộ tổng cộng 32 triệu nhân dân tệ (4,8 triệu USD). Phán quyết của NMIPC cũng nêu rõ toàn bộ tiền bạc, tài sản hối lộ sẽ bị tịch thu và nộp vào ngân sách nhà nước.
Ông Lỗ Vĩ bắt đầu sự nghiệp của mình với vai trò là một phóng viên. Năm 1991, ông làm việc cho Tân Hoa Xã và từng bước vươn lên vị trí lãnh đạo cấp cao của hãng thông tấn này, rồi được bổ nhiệm làm phó thị trưởng TP Bắc Kinh, phụ trách công tác tuyên truyền vào năm 2011.
Ông Lỗ Vĩ (trái), cựu Phó Ban Tuyên truyền Trung ương Trung Quốc Ảnh: REUTERS
Đến năm 2014, Trung Quốc thành lập CAC và ông Lỗ được bổ nhiệm làm giám đốc cơ quan này. Theo tạp chí The Diplomat, CAC hoạt động vừa như một cơ quan của nhà nước vừa như một cơ quan của đảng nên ông Lỗ nắm rất nhiều quyền lực và được mệnh danh là "ông trùm" kiểm duyệt internet tại Trung Quốc. Vào thời kỳ "đỉnh cao", ông được tạp chí Time xếp vào danh sách 100 nhân vật có sức ảnh hưởng nhất thế giới (trong năm 2015).
Vào tháng 6-2016, ông Lỗ bất ngờ rời khỏi vị trí giám đốc CAC dù còn giữ chức Phó Ban Tuyên truyền Trung ương Trung Quốc. Điều này làm dấy lên đồn đoán rằng ông đã được cất nhắc lên vị trí cao hơn. Tuy nhiên, đến tháng 11-2017, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) thông báo ông Lỗ Vĩ đã bị bắt giam vì "vi phạm nghiêm trọng các quy tắc", biến ông trở thành "con hổ" (cụm từ thường được dùng ở Trung Quốc để ám chỉ những quan chức cấp cao bị cáo buộc tham nhũng) đầu tiên bị nhắm đến trong nhiệm kỳ 2 của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ba tháng sau, ông Lỗ bị khai trừ khỏi đảng trước khi bị CCDI tung ra hàng loạt cáo buộc - từ việc không trung thành, gian dối, lợi dụng quyền lực để đổi lấy tình dục đến thiếu tự chủ - theo báo South China Morning Post (SCMP). Đến tháng 11-2018, lá thư hối lỗi của ông Lỗ được trưng bày tại cuộc triển lãm Bắc Kinh đánh dấu kỷ niệm 40 năm cải cách và mở cửa đất nước. "Tôi đã gây ra những lỗi lầm nghiêm trọng, không thể tha thứ trong chính trường, tài chính, công việc và cuộc sống. Tôi đã không tuân thủ những quy tắc cơ bản của một đảng viên" - ông Lỗ viết.
Thu hồi 519 triệu USD/năm
Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình nắm quyền lãnh đạo cách đây 6 năm, Trung Quốc đẩy mạnh chiến dịch phòng chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi". Đến nay, hơn 1 triệu quan chức Trung Quốc đã bị xử lý.
Trước phiên tòa hôm 26-3 nói trên, hôm 16-3, CCDI tuyên bố sẽ truy tố ông Nỗ Nhĩ Bạch Khắc Lực, cựu Cục trưởng Cục Năng lượng quốc gia (NEA), với cáo buộc tham nhũng trong suốt thời gian giữ chức lãnh đạo khu tự trị Tân Cương từ năm 2008 đến 2014.
Ông Nỗ, một trong những quan chức người Duy Ngô Nhĩ cấp cao nhất ở Trung Quốc, bị Bắc Kinh điều tra vào tháng 9-2018. CCDI cho biết họ phát hiện ông ta lợi dụng chức vụ để thu về "lượng tài sản khổng lồ" một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua người thân. Ngoài ra, cựu quan chức 57 tuổi này còn bị cáo buộc nhận hối lộ, yêu cầu cung cấp ôtô đắt tiền và dịch vụ đưa đón cho người nhà của ông ta. "Ông Nỗ có một cuộc sống xa hoa, tham nhũng và lợi dụng quyền lực để đổi lấy tình dục" - CCDI nhấn mạnh.
Trong báo cáo được công bố hồi đầu tháng 1-2019, CCDI khẳng định 1.335 đối tượng trốn chạy ra nước ngoài, trong đó có 307 đảng viên hay nhân viên chính phủ, đã bị đưa về nước xét xử; hơn 519 triệu USD tài sản tham nhũng đã được thu hồi vào năm 2018. CCDI tuyên bố đây là một thắng lợi nữa trong chiến dịch phòng chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Theo CCDI, trong số những đối tượng nói trên, 5 người nằm trong danh sách 100 nghi phạm tham nhũng bị truy nã gắt gao nhất mà Trung Quốc đã trình lên Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol). Trong số này có Từ Siêu Phạm, cựu giám đốc một chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc ở tỉnh Quảng Đông, bị nghi tham ô 485 triệu USD và trốn sang Mỹ 17 năm trước.
Trong khi đó, ở trong nước, 621.000 cá nhân đã bị xử phạt vì tham nhũng vào năm ngoái, bao gồm 51 quan chức cấp tỉnh và cấp bộ - theo CCDI.
Ngoài việc bắt giữ nghi phạm và tịch thu tài sản tham nhũng, chính quyền Trung Quốc còn thực hiện các biện pháp mạnh khác, như phá hủy 1.000 biệt thự hạng sang xây trái phép trên dãy Tần Lĩnh, tỉnh Thiểm Tây - theo hãng tin AP.