Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào phát triển công nghệ giám sát với việc sử dụng sinh trắc học để nhận diện khách đi tàu điện ngầm, công nghệ giám sát nhận diện khuôn mặt tại các sự kiện lớn hay kính thông minh để hỗ trợ cảnh sát bắt tội phạm... Giờ đây, nước này tiếp tục thử nghiệm máy bay không người lái để giám sát công dân.
Theo South China Morning Post, loại máy bay không người lái được phát triển trong dự án có tên "Bồ câu", có vẻ ngoài giống hệt chim thật, có thể mô phỏng chính xác khoảng 90% chuyển động của chim bồ câu thật. Máy bay này đang được tiến hành thử nghiệm tại 5 tỉnh bởi 30 cơ quan quân sự và chính phủ tại Trung Quốc.
Không giống các phương tiện bay không người lái tiêu chuẩn với cánh hoặc cánh quạt cố định, máy bay "Bồ câu" có thể bay lên, xuống và tăng tốc giống hệt như chim thật. Cánh của máy bay này có thể thay đổi nhẹ về hình dáng khi chuyển động lên xuống, không chỉ tạo lực nâng và còn đẩy máy bay về phía trước. Ngoài ra, ưu điểm của máy bay này là hầu như không tạo tiếng ồn nên khó bị phát hiện.
Mỗi máy bay đều được trang bị một camera có độ phân giải cao, thiết bị định vị GPS, hệ thống kiểm soát không lưu và kết nối dữ liệu với vệ tinh. Về thiết kế, máy bay này nặng khoảng 200 gram, sải cánh rộng khoảng 50cm và có thể bay với vận tốc lên tới 40 km/h trong khoảng thời gian lên tới 30 phút.
Chương trình "Bồ câu" được điều hành bởi Song Bifeng, một giáo sư tại Đại học Bách khoa Tây Bắc ở Tây An.
Yang Wenqing, phó giáo sư trường Northwestern Aeronautics School, cũng là một thành viên trong nhóm của Bifeng, nhấn mạnh rằng: "Công nghệ này có tiềm năng để sử dụng với quy mô lớn trong tương lai" và "có những lợi thế riêng có đáp ứng nhu cầu của phương tiện bay không người lái trong quân đội và các lĩnh vực dân sự".
Ước tính chi phí cho những thiết bị này lên tới 10 tỷ Nhân dân tệ (hơn 1,52 tỷ USD).
Hiện tại, công nghệ này vẫn đang trong giai đoạn đầu thử nghiệm. Ngoài việc không thể bay khoảng cách xa, hoạt động của máy bay này vẫn bị ảnh hưởng bởi mưa lớn hoặc tuyết. Một nhược điểm lớn khác là máy bay này không có cơ chế chống va chạm và dễ bị mắc vào các vật cản khi bay thấp.
Tuy vậy, Bifeng cho biết các nhà nghiên cứu trong nhóm của ông đang xem xét tất cả những vấn đề này. Ông kỳ vọng thế hệ chim robot mới này sẽ có thể thực hiện những chuyển động phức tập và tự đưa ra các quyết định trên không.
Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là nơi đầu tiên mà thiết bị bay giống chim được nghĩ tới. Năm 2013, quân đội Mỹ đã mua hơn 30 máy bay không người lái có thiết kế giống hệt chim từ công ty Prioria Robotics.
SmartBird được phát triển bởi Festo Corporation - Ảnh: Festo.
Một loại máy bay giống chim nổi tiếng khác là "SmartBird", được phát triển bởi công ty Festo Corporation vào năm 2011. Thiết bị này giống như một robot chim mòng biển có thể cất cánh, bay và hạ cánh mà không cần sự can thiệp của con người. Tuy nhiên, dự án này chưa từng được thương mại hoá và Festo cho biết phương tiện này không được phép sử dụng cho mục đích quân sự.