Từ tháng 5 này, các nhân viên làm việc trong hệ thống nhà nước tại 4 địa phương ở Trung Quốc sẽ bắt đầu thử nghiệm nhận lương bằng tiền điện tử hay còn gọi là tiền số (hoặc tiền kỹ thuật số). Bước đi quan trọng này sẽ là tiền đề để Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới có ngân hàng trung ương chính thức phát hành tiền điện tử trong tương lai.
Hình ảnh tiền Nhân dân tệ điện tử đăng trên mạng xã hội Trung Quốc. Ảnh: Mạng xã hội Trung Quốc.
Cụ thể, từ tháng 5 này, nhân viên làm việc tại các cơ quan và đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc quận Tương Thành, thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô miền Đông Trung Quốc sẽ bắt đầu thí điểm nhận 50% tiền trợ cấp giao thông nằm trong khoản lương hàng tháng dưới hình thức tiền điện tử tại các hệ thống ngân hàng chỉ định.
Làm quen với một đồng tiền hoàn toàn mới, người dân tại đây không khỏi có những thắc mắc. Một người dân địa phương chia sẻ: “Khi nhìn thấy đồng tiền số này, cảm giác đầu tiên của tôi là muốn biết nó là gì, sử dụng ra sao? Tôi cũng lo lắng liệu nó có rủi ro tiềm ẩn nào không?”.
Tô Châu là 1 trong 4 địa phương được chọn thí điểm cấp phát lương bằng tiền điện tử ở Trung Quốc, bên cạnh Thâm Quyến, Thành Đô và Khu mới Hùng An. Đây là 1 cuộc thử nghiệm khép kín nhằm kiểm tra và hoàn thiện các tính năng của đồng tiền này. Đáng chú ý, đây là đồng tiền do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (tức Ngân hàng Trung ương) phát hành, bởi vậy nó còn được gọi là đồng Nhân dân tệ điện tử.
Ông Quốc Thế Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tiền tệ Đại học Thâm Quyến nói: “Đồng tiền do Ngân hàng Trung ương phát hành nên là tiền số pháp định. Đặc điểm lớn nhất của tiền số pháp định là nó chịu sự giám sát của Trung ương. Đã là đồng tiền do Ngân hàng Trung ương phát hành thì không ai có quyền từ chối. Nếu từ chối sẽ là hành vi vi phạm pháp luật”.
Vậy vì sao Trung Quốc quyết định phát hành đồng tiền số này? Về điều này, ông Đổng Hy Diểu, chuyên gia về tài chính và phát triển của Trung Quốc cho biết: “Trước tiên, từ cấp độ nhà nước, Ngân hàng Trung ương phát hành tiền số có thể giúp giảm chi phí phát hành tiền mặt, gồm phí in ấn, vận chuyển, quản lý.... Từ góc độ của ngân hàng thương mại, cũng giúp giảm chi phí trong sử dụng và quản lý tiền mặt.”
Ông Đổng Hy Diểu, chuyên gia về tài chính và phát triển của Trung Quốc. Ảnh: CCTV. |
Ông Từ Viễn, Nghiên cứu viên cao cấp Trung tâm nghiên cứu Tài chính kỹ thuật số thuộc Đại học Bắc Kinh bổ sung: “Sau khi giảm chi phí, mọi giao dịch vì lý do giá thành cao đều sẽ có thể thực hiện được.”
Không chỉ vậy, nhiều nhận định còn cho rằng, việc sử dụng tiền số sẽ giúp Trung Quốc tăng cường giám sát hoạt động tiền tệ và quản trị xã hội, đồng thời có thể giảm bớt tác động của bất kỳ biện pháp trừng phạt hoặc đe dọa loại trừ nào ở cả cấp độ quốc gia và công ty do đây là loại tiền điện tử có chủ quyền.
Sau khi thử nghiệm thành công, đồng tiền này sẽ được chính thức sử dụng tại Trung Quốc. Ông Đổng Hy Diểu cho biết thêm: “Sau khi thử nghiệm thuận lợi ở 4 nơi và sắp tới là tại Thế vận hội mùa Đông, trong tương lai không xa, đồng tiền số của Ngân hàng Trung ương phiên bản Trung Quốc sẽ chính thức phát hành.”
Như vậy, tiền Nhân dân tệ điện tử của Trung Quốc sẽ được thử nghiệm ít nhất đến năm 2022, bởi đây cũng là năm Bắc Kinh đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa Đông. Nếu thử nghiệm thành công và được phát hành, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vận hành đồng tiền kỹ thuật số có chủ quyền đầu tiên khác với đồng bitcoin không biên giới. Nước này cũng sẽ là cường quốc đầu tiên trên thế giới có ngân hàng trung ương chính thức phát hành tiền điện tử nhằm kiểm soát nền kinh tế cũng như thị trường tiền ảo đang diễn biến phức tạp./.