Ủy ban Cải cách và Phá triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) ngày 8/4 cho biết đang lấy ý kiến công khai để sửa đổi danh sách các ngành công nghiệp mà cơ quan này muốn khuyến khích, hạn chế hoặc cấm hẳn. Đào tiền ảo là một trong những hoạt động mà NDRC muốn cấm hẳn.
Theo Reuters, Trung Quốc hiện là thị trường phần cứng máy tính lớn nhất thế giới, được dùng để khai thác Bitcoin cũng như các loại tiền ảo khác, bất chấp những động thái kiểm soát trước đó mà chính phủ nước này đưa ra.
Hoạt động đào tiền ảo, bao gồm đào Bitcoin, cùng hơn 450 hoạt động khác, được NDRC đưa vào danh sách cần bị cấm bởi đến nay chưa có điều luật hay quy định nào quản lý. NDRC cho rằng những hoạt động này là thiếu an toàn, gây lãng phí tài nguyên hoặc ô nhiễm môi trường.
NDRC không đưa ra thời điểm hay kế hoạch cụ thể về cách thức cấm hoạt động đào tiền ảo. Dự thảo sửa đổi danh sách trên của cơ quan này công khai lấy ý kiến tới ngày 7/5 tới.
Tờ báo Securities Times của Trung Quốc ngày 9/4 nói rằng dự thảo danh sách sửa đổi trên "Phản ánh rõ ràng thái độ về chính sách của nước này" đối với lĩnh vực tiền ảo.
Tuần trước, giá Bitoin tăng gần 20% - ngày giao dịch tốt nhất kể từ mức đỉnh gần 20.000 USD thiết lập vào cuối năm 2017 và lần đầu vượt ngưỡng 5.000 USD kể từ giữa tháng 11 năm ngoái. Nhiều chuyên gia phân tích và nhà giao dịch thừa nhận rằng họ cảm thấy bối rối về cú tăng bất ngờ của tiền ảo này. Vào lúc 14h ngày 9/4 (giờ Việt Nam), đồng Bitcoin giao dịch ở mức 5.223 USD.
Kể từ năm 2017, lĩnh vực tiền ảo chịu sự giám sát chặt chẽ tại Trung Quốc, khi Bắc Kinh ra lệnh cấm huy động vốn bằng việc phát hành tiền ảo (ICO) và đóng cửa các sàn giao dịch tiền ảo tại nước này.
Trung Quốc cũng bắt đầu hạn chế hoạt động khai thác tiền ảo, buộc nhiều công ty trong lĩnh vực này phải chuyển trụ sở đi nơi khác.
Các doanh nghiệp Trung Quốc nằm trong số những nhà sản xuất thiết bị khai thác tiền ảo lớn nhất thế giới. Năm ngoái, 2 công ty trong số đó, gồm Bitmain, Canaan Inc. đã đệ đơn xin niêm yết lần đầu (IPO) trên sàn chứng khoán Hồng Kông với mục tiêu huy động nhiều tỷ USD. Tuy nhiên, từ đó, cả hai đều chưa có động tĩnh gì.
Theo nguồn tin của Reuters, nhà chức trách Hồng Kông đã đặt ra nhiều nghi vấn xung quanh mô hình kinh doanh và triển vọng của các công ty này.
Theo cáo bạch IPO đưa ra vào năm ngoái của Canaan, doanh thu từ phần cứng blockchain dùng cho hoạt động đào tiền ảo của công ty này đạt 8,7 tỷ Nhân dân tệ (1,3 tỷ USD) trong năm 2017, chiếm 45% doanh thu sản phẩm này trên toàn cầu. Cáo bạch của Canaan cũng dự báo con số doanh thu này tại Trung Quốc sẽ đạt 35,6 tỷ Nhân tệ (5,31 tỷ USD) vào năm 2020.