Tại Hội nghị Hội viên VASEP năm 2024 vừa qua, ông Đỗ Ngọc Tài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Chủ tịch Ủy ban Tôm VASEP cho biết trong 5 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 103 thị trường, mang về 1,3 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu tăng nhẹ so với cùng kỳ là tín hiệu tích cực tuy nhiên ngành tôm vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức khi tình hình kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi.
Thị trường Trung Quốc: Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Trung Quốc & Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 260 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ, đây là thị trường tăng trưởng mạnh nhất của tôm Việt Nam trong 5 tháng qua. Tuy nhiên đã có dấu hiệu giảm nhiều trong tháng 5 vào thị trường tỷ dân này. Nguyên nhân chính là giá tôm của Việt Nam cao hơn so với giá của các nguồn cung khác đến từ Ecuador, Ấn Độ và Indonesia. Các đối thủ này của Việt Nam cũng đang tập chung hơn vào thị trường Trung Quốc do Mỹ áp thuế cao, vì vậy tôm của Việt Nam cũng sẽ khó khăn hơn.
Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Việt Nam.
Thị trường Mỹ: 5 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 229 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ. Trong đó ghi nhận chỉ tăng mạnh trong tháng 1, tháng 2 cho đến hiện tại ngược lại đã giảm mạnh. Lý giải cho nguyên nhân giảm mạnh này do lạm phát vẫn ở mức cao, ngoài ra tôm Việt Nam còn phải cạnh tranh mạnh về giá với tôm Ecuador, Ấn Độ, Indonesia trên thị trường Mỹ. Nhu cầu nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào Mỹ có thể tăng nhẹ trong quý 3 năm nay do nhu cầu cuối năm tăng chung.
Thị trường EU: Xuất khẩu tôm Việt Nam sang châu Âu trong những tháng đầu năm đạt 165 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ. Sau khi giảm trong tháng đầu năm, hiện tại thị trường này đã phục hồi tăng trở lại trong tháng 4 và 5 vừa qua. Với thị trường châu Âu, tôm Việt Nam sẽ phải cạnh tranh mạnh hơn với các nguồn cung đối thủ trên thị trường này như Ấn Độ, Ecuador do 2 nguồn cung này gặp khó với mức thuế cao trên thị trường Mỹ, nên sẽ giảm giá để tăng lượng xuất khẩu vào châu Âu.
Thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc: trong 5 tháng đầu năm đều ghi nhận mức giảm khá lớn. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt 183 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ; sang Hàn Quốc đạt 124 triệu USD, giảm 9%. Nguyên nhân dẫn đến việc xuất khẩu tôm của nước ta sang 2 thị trường này giảm do lạm phát còn cao dẫn đến người tiêu dùng tiết kiệm trong chi tiêu. Tín hiệu phục hồi có thể sẽ tăng nhẹ từ tháng 9 của năm nay để phục vụ nhu cầu những tháng cuối năm.
Ông Đỗ Ngọc Tài - Phó Chủ tịch VASEP cho hay, "Trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu tôm chân trắng trị giá gần 935 triệu USD, tăng 21%; tôm sú đạt 155 triệu USD, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, xuất khẩu tôm hùm đạt hơn 106 triệu USD, gấp gần 70 lần so với cùng kỳ. Các mặt hàng khác như tôm sắt, tôm càng, tôm tít, tôm vằn cũng có xu hướng tăng tích cực trong thời gian qua".
Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu các sản phẩm tôm chế biến đều có xu hướng giảm. Cụ thể, tôm chân trắng chế biến mã HS16 giảm 31%, tôm sú chế biến giảm 72%, tôm khô giảm 41% và tôm khác chế biến giảm 99%. Trong khi đó, xuất khẩu các sản phẩm tôm sống, đông lạnh ghi nhận tăng như tôm chân trắng tăng 12%, tôm sú tăng đột phá gấp 158 lần.
Về thị trường xuất khẩu tôm , ông Đỗ Ngọc Tài thông tin: Điều bất ngờ nhất trong 5 tháng đầu năm 2024 là Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Việt Nam.
Năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch 682 triệu USD; Trung Quốc chỉ chiếm vị trí thứ hai, với hơn 550 triệu USD. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc đạt 260 triệu USD, tăng 21%; trong khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ chỉ đạt 229 triệu USD, tăng 1%.
Nhận định về ngành tôm trong quý 3/2024, ông Đỗ Ngọc Tài cho rằng xuất khẩu tôm Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức như giá xuất khẩu giảm, áp lực cạnh tranh mạnh từ các nguồn cung đối thủ, chi phí vận chuyển và giá đầu vào tăng mạnh, xung đột địa chính trị, suy thoái kinh tế thế giới. Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đã và đang nỗ lực vạch ra các chiến lược để phát triển như gia tăng chất lượng, tạo sự khác biệt cho sản phẩm của mình trên thị trường.