Theo công ty theo dõi các quỹ Shenzhen PaiPaiWang Investment & Management Co., số lượng quỹ mới thành lập đã tăng lên khoảng 1.500 trong tháng 7 sau khi ghi nhận 1.217 quỹ mỗi tháng vào nửa đầu năm nay. Đây là tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2015. Vào tuần trước, chỉ riêng công ty quản lý quỹ phòng hộ lớn nhất nước này đã đăng ký tới 9 sản phẩm mới.
Dòng vốn mới này có thể mang lại động lực cho thị trường vốn trị giá 9 nghìn tỷ USD của Trung Quốc – khi đã chứng kiến đà tăng phi mã đẩy vốn hóa lên mức cao nhất trong 5 năm dù hiện tại đã chậm lại. Theo truyền thông nhà nước, các nhà quản lý đã khuyến khích việc phát triển các sản phẩm dành cho nhà đầu tư nhỏ lẻ ví dụ như ngân hàng và quỹ hưu trí. Đồng thời, giới chức cũng cho phép các công ty bảo hiểm có vốn hóa tốt hơn sở hữu thêm cổ phiếu trong danh mục đầu tư.
2 chỉ số lớn nhất TTCK Trung Quốc đã tăng phi mã vào tháng 7.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ thị trường quá "mạnh tay" có thể khiến bong bóng chứng khoán lặp lại như năm 2007 và 2015. Nhiều quỹ phòng hộ của Trung Quốc – thường được gọi là quỹ chứng khoán tư nhân, vay tiền để "đánh bóng" lợi nhuận, nhằm mục đích trở nên nổi bật trước hàng nghìn đối thủ cạnh tranh.
Zhang Qingyun – phó tổng giám đốc của quỹ tư nhân China Vision Capital Management, cho biết: "Nếu một nhà quản lý quỹ bị tụt hậu so với thị trường, thì áp lực sẽ là rất lớn."
Các quỹ tư nhân phục vụ cho các định chế trong nước và nhà đầu tư đủ điều kiện với khả năng cam kết tối thiểu 1 triệu CNY (143.000 USD). Dù nhiều trong số đó chỉ tồn tại lâu nhờ các hạn chế của Trung Quốc đối với hoạt động cho vay nợ bằng cổ phiếu, nhưng họ vẫn tính phí quản lý và phí thành tích tương tự như các quỹ đầu cơ. Ngành này hiện đang quản lý khoảng 2,7 nghìn tỷ CNY từ hơn 45.000 quỹ.
Trong tháng này, TTCK Trung Quốc đã chứng kiến đà tăng phi mã, thúc đẩy Shanghai Composite tăng 10% và vượt trội so với 90 chỉ số tham chiếu khác được theo dõi bởi Bloomberg. Đà tăng ngoạn mục diễn ra sau khi giới chức Trung Quốc khuyến khích hoạt động đầu tư cổ phiếu, trong đó bao gồm việc nới lỏng hoạt động sử dụng đòn bẩy kể từ sau sự kiện bong bóng năm 2015.
Ngành quỹ tương hỗ vốn bị kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc cũng ghi nhận sự bùng nổ, đang huy động 770 tỷ CNY từ các sản phẩm chứng khoán trong năm nay, theo China Galaxy Securities Co. Hiện tại, Trung Quốc có 1.262 quỹ tương hỗ tập trung vào lĩnh vực chứng khoán và 2.848 quỹ tương hỗ lai, quản lý tổng cộng 4,2 nghìn tỷ CNY, theo số liệu từ Hiệp hội Quản lý Tài sản Trung Quốc (AMAC).
Nhu cầu đầu tư vào những quỹ này đã tăng mạnh vào tháng 3, một phần là nhờ nỗ lực hỗ trợ thị trường của chính phủ sau khi đại dịch bùng phát. Truyền thông nhà nước cũng là yếu tố quan trọng đóng góp vào đà tăng phi mã, khi ca ngợi tầm quan trọng của thị trường "con bò" đối với sự hồi phục của nền kinh tế.
Diễn biến ngoạn mục gần đây của TTCK Trung Quốc đã "châm lửa" cho tâm lý hứng khởi của nhà đầu tư. Trong 5 quỹ tương hỗ đã phát hành chứng chỉ quỹ vào ngày 24/7 trên sàn STAR, có 4 quỹ huy động được hơn 3 tỷ CNY trong ngày giao dịch đầu tiên, theo Securities Times.
Một số nhà quản lý quỹ có thể đang gấp rút huy động thêm tiền mặt, bởi họ lo ngại cơ hội có thể biến mất bất kỳ lúc nào. Xung đột về vấn đề ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc hồi tuần trước đã khiến TTCK Trung Quốc mất 450 tỷ USD chỉ trong 1 ngày. Điều này cho thấy đà tăng trong tháng vừa qua lại rất mong manh.
Trong khi đó, những quỹ khác đang lo ngại về việc thu hút quá nhiều vốn trong một thị trường có phần không ổn định. Liu Ke – giám đốc nghiên cứu đầu tư tại Cathy Rock Asset Management, cho biết một số công ty khác có thể khó kiếm lời cho nhà đầu tư. Ông cho hay: "Đối với chúng tôi, đây không phải là thời điểm hợp lý để phát hành sản phẩm, khi thị trường đang tăng quá nóng. "
Tham khảo Bloomberg