Theo hãng tin AFP, trong thông báo ngày 24/9, POBC cho biết, các hoạt động kinh doanh liên quan đến tiền ảo là hoạt động tài chính bất hợp pháp. Đồng thời, cảnh báo hoạt động này gây nguy hiểm nghiêm trọng đến an toàn tài sản của nhân dân.
Những hoạt động tài chính liên quan đến tiền ảo bị cấm tại Trung Quốc sẽ gồm: giao dịch tiền ảo, bán token, các giao dịch liên quan đến tiền ảo phái sinh, và hoạt động gây quỹ bất hợp pháp. POBC nhấn mạnh, những người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đến cùng theo quy định của pháp luật.
Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Trung Quốc có biện pháp siết chặt các hoạt động liên quan đến tiền ảo. Đầu năm 2020, Chính phủ Trung Quốc đã cấm đào tiền ảo, và liên tục đưa ra các cảnh báo về giao dịch tiền ảo. Chính quyền Bắc Kinh cũng cho biết, vào tháng 6/2021, đã có hơn 1.000 người bị bắt vì sử dụng tiền do phạm tội mà có để mua tiền ảo.
POBC cho biết thêm, hoạt động mua bán và đầu cơ bitcoin cùng những loại tiền ảo khác những năm gần đây đã trở nên phổ biến, khiến trật tự kinh tế và tài chính có nguy cơ bị phá vỡ. Đồng thời, làm phát sinh hoạt động rửa tiền, huy động vốn bất hợp pháp, lừa đảo đầu tư theo hình thức đa cấp, cùng các hoạt động bất hợp pháp và phạm tội khác.
Vì vậy, POBC thông báo, đã cải tiến hệ thống hoạt động của cơ quan này, để tăng cường giám sát các giao dịch tiền ảo và loại bỏ tận gốc hành vi đầu cơ. Bên cạnh đó, POBC đưa ra cảnh báo, các tổ chức tài chính và thanh toán phi ngân hàng không được phép cung cấp các dịch vụ, hoạt động liên quan đến tiền ảo, bao gồm: đăng ký, giao dịch, thanh toán bù trừ và thanh toán,... Trao đổi tiền điện tử và cung cấp tiền điện tử cũng bị cấm.
Ở chiều hướng khác, tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ blockchain. Vậy tại sao, Việt Nam lại có bước đi trái ngược hoàn toàn với Trung Quốc?
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 942/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Đáng chú ý, Thủ tướng đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì để nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain). Thời gian để Ngân hàng Nhà nước thực hiện là từ 2021-2023.
Cũng theo Quyết định này, Thủ tướng đề cập đến một số nhiệm vụ khác nhằm nghiên cứu, phát triển, làm chủ các công nghệ lõi.
Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn ưu tiên, đẩy mạnh phong trào nghiên cứu một số công nghệ cốt lõi mà Việt Nam có lợi thế, có thể đi tắt đón đầu cũng như có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain) và thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), dữ liệu lớn (Big Data) tạo điều kiện ứng dụng các công nghệ số tiên tiến trong triển khai Chính phủ số. Thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp công nghệ số nghiên cứu, phát triển các ứng dụng công nghệ mới cho Chính phủ số.
Trước đó, Thủ tướng cũng đã có Quyết định 2117/QĐ-TTg ngày 16/12/2020 ban hành danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có công nghệ chuỗi khối (Blockchain).
Bộ Tài chính cũng từng thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo theo Quyết định số 664/QĐ-BTC ngày 24/4/2020 nhằm triển khai công tác nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.
Theo Nikkei Asia, nhiều chuyên gia nhận định, quyết định nghiên cứu, thí điểm sử dụng tiền điện tử trong giai đoạn 2021-2023 của Việt Nam là hướng đi giúp quốc gia thúc đẩy phát triển công nghệ mới.
Ông Nguyễn Thanh Bình, điều phối viên Trung tâm FinTech-Crypto của Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng, Quyết định 942 mở ra cánh cửa cho việc phát triển tiền điện tử của ngân hàng trung ương, cho phép các cơ quan chức năng quản lý tiền ảo, thay vì giao cho khu vực doanh nghiệp tư nhân và chịu sự quản lý phi tập trung.
Chia sẻ với Nikkei Asia, ông Bình cho biết: "Tôi cho rằng Việt Nam đang xem xét kết quả thử nghiệm tại các quốc gia khác sẽ ra sao. Trong khi Campuchia đã chính thức phát hành đồng tiền ảo quốc gia, thì Trung Quốc hay Thái Lan vẫn còn tranh luận về vấn đề này".
Bà Lynn Hoàng, Giám đốc Việt Nam của Binance cũng thông tin, tiền điện tử vẫn đang rất phổ biến hiện nay. Hồi tháng 4, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia với số lượng người tham gia thị trường của Binance. Người dùng Việt Nam luôn sẵn sàng thử những xu hướng mới.
Tuy nhiên, hiện tiền điện tử vẫn không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp được công nhận tại Việt Nam. Song, tiền điện tử cũng không bị cấm mua bán. Theo cuộc khảo sát của Statista năm 2020, Việt Nam thuộc top 3 toàn cầu về tỷ lệ người dân sở hữu tiền điện tử.