Theo nguồn tin thân cận, các công ty thuộc sở hữu nhà nước – Cofco và Sinograin, đã được yêu cầu hoãn thực hiện hoạt động mua nông sản của Mỹ. Ngoài ra, các công ty này cũng hủy bỏ một số lượng đơn đặt hàng đối với thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ. Nguồn tin cho biết, các công ty tư nhân chưa nhận được yêu cầu ngừng nhập khẩu như trên.
Việc Trung Quốc yêu cầu các công ty ngừng nhập khẩu một số mặt hàng nông sản từ Mỹ là dấu hiệu mới nhất cho thấy thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang gặp rủi ro lớn. Trong khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hồi tháng trước đã nhắc lại về thỏa thuận đã được ký kết hồi thàng 1, thì căng thẳng giữa 2 nước sau đó tiếp tục leo thang khi Bắc Kinh thông qua dự luật an ninh quốc gia nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn đối với Hồng Kông.
Động thái này của chính quyền ông Tập Cận Bình được đưa ra sau khi Tổng thống Trump hôm thứ Sáu đã nặng nề chỉ trích Bắc Kinh về việc áp dụng luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông. Các nhà phê bình cho biết điều này sẽ loại bỏ những đối tượng có ý kiến bất đồng và làm suy yếu nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" được áp dụng kể từ năm 1997.
Cofco và Sinograin là hai nhà nhập khẩu nông sản chính của Trung Quốc. Hai công ty này đã đưa ra mức giá đối với 20 đến 30 đơn hàng đậu tương của Mỹ hôm thứ Sáu tuần trước, nhưng sau đó cho biết sẽ không tiếp tục thương vụ này sau khi ông Trump cho biết sẽ trừng phạt quan chức Trung Quốc. Hiện tại, Bắc Kinh đang chờ đợi những bước đi tiếp theo của chính quyền Tổng thống Trump.
Dù ông Trump nhiều lần đe dọa hủy bỏ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, nhưng các cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống vẫn cho biết thỏa thuận giữa 2 nước vẫn được tiếp tục thực hiện, theo Larry Kudlow – giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia. Ngoài ra, ông cũng cho biết thêm rằng thỏa thuận thương mại vẫn được xúc tiến và chúng tôi có thể sẽ đạt được sự tiến bộ.
Washington và Bắc Kinh đã có những tranh cãi nảy lửa về các vấn đề từ Covid-19 cho đến Đài Loan trong những tuần gần đây. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị gần đây cũng cảnh báo rằng một số nhân vật ở Mỹ đang đẩy mối quan hệ giữa hai nước này tiến đến cuộc "Chiến tranh lạnh mới" và kêu gọi Mỹ nên từ bỏ suy nghĩ về việc thay đổi Trung Quốc.
Theo một phần của thỏa thuận thương mại, Trung Quốc đã đồng ý mua khoảng 36,5 tỷ USD nông sản Mỹ vào năm 2020. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát đã gây khó khăn cho kế hoạch này, Trung Quốc chỉ nhập khẩu 3,35 tỷ USD nông sản của Mỹ trong 3 tháng đầu năm – mức thấp nhất trong cùng kỳ kể từ năm 2007, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Tuy nhiên, khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế sau khi phong tỏa để kiểm soát Covid-19, quốc gia này đã tăng tốc độ nhập khẩu, trong đó có hơn 1 triệu tấn đậu tương của Mỹ chỉ trong 2 tuần tháng 5 và số lượng nhỏ dầu đậu tương và ethanol.
Căng thẳng giữa 2 nước đã nóng lên khi ông Trump đổ lỗi cho quốc gia này đã che giấu về quy mô của Covid-19. Sự ảnh hưởng của diễn biến trong mối quan hệ 2 nước đã lan sang cả thị trường hàng hóa, theo đó Trung Quốc đã chọn mua đậu tương từ Brazil thay vì Mỹ.
Động thái của Bắc Kinh đã khiến tâm lý nhà đầu tư ở Phố Wall lung lay trước khi bước vào phiên giao dịch chính thức. S&P 500 futures giảm 0,6%, trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng xóa bỏ mức tăng trước đó. Trong khi đó, đồng CNY giao dịch ngoài lục địa rớt giá, hợp đồng tương lai giá đậu tương tại Chicago gần như không có biến động sau khi tăng 1%.
Tham khảo Bloomberg