Dẫn đầu là động thái của một số ngân hàng trung ương về sự cởi mở trong phương thức truyền tin và tính minh bạch, đồng thời tránh việc "giữ bí mật" và "bất ngờ" - vốn là "truyền thống" được duy trì từ lâu. Một Ngân hàng trung ương "được hiện đại hóa" – đề tựa của Blinder được vận dụng như một cách để mở đầu câu chuyện.
Fed dẫn đầu hướng đi này vào những năm chuyển mình của thế kỉ. Các quyết định về lãi suất bắt đầu được công bố vào năm 1994 và các thông cáo báo chí định kì bắt đầu được phát hành vào năm 2000 (mặc dù các cuộc họp báo định kì, cho đến năm 2011, mới được tổ chức).
Những thay đổi này phản ánh sự "nhận thức" mới của các ngân hàng trung ương về cách thay đổi chính sách lãi suất ngắn hạn xuyên suốt nền kinh tế thông qua kỳ vọng và giá cả thị trường.
Hiện nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đang trải qua cuộc cách mạng thầm lặng của riêng mình. Giống như Fed trước đó, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đang dần trở nên "cởi mở" hơn.
Tuy nhiên, cuộc cách mạng thực sự ở Bắc Kinh liên quan đến chính sách tỷ giá hối đoái bằng việc PBOC dần dần cho phép các tác động của thị trường xác định giá trị của đồng Nhân dân tệ. Cả hai dấu mốc này đều được hoan nghênh.
Cuộc công kích truyền thông của PBOC có liên quan nhiều đến thống đốc mới, Yi Gang, người được bổ nhiệm vào tháng 3 năm 2018.
Tháng trước, Ngân hàng đã tổ chức cuộc họp giao ban đầu tiên để giải thích dữ liệu kinh tế và tiền tệ mới nhất. Yi là người đã khởi xướng giải thích các quyết định chính sách, đáng chú ý là chiến lược "ba mũi tên" để tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thống đốc đôi khi cũng đề cập về sự biến động của thị trường chứng khoán, mặc dù những can thiệp như vậy có thể nhận sự phản đối từ những người theo đuổi chủ nghĩa ngân hàng trung ương truyền thống.
Một động thái quan trọng khác diễn ra vào tháng 1, khi PBOC công bố phiên bản trang thông tin điện tử bằng tiếng anh.
Thống đốc PBOC Yi Gang.
Trước đây, chỉ có khoảng 2% nội dung của trang web bằng tiếng Trung được dịch ra tiếng Anh. Điều này khiến các nhà đầu tư nước ngoài phàn nàn về một sân chơi không công bằng.
Tuy nhiên, trang web tiếng Anh mới bao quát hầu hết các nội dung chính của chính sách, từ các hoạt động trên thị trường mở và các quyết định cho đến các bài phát biểu và hoạt động của thống đốc.
Ví dụ: trang web công bố bài phát biểu của Yi vào tháng 12 năm ngoái tại Đại học Thanh Hoa về khung chính sách tiền tệ của Trung Quốc, cùng với bản tiếng Anh của các slide PowerPoint gốc, mặc dù không có sẵn bằng tiếng Trung trên trang web của PBOC.
Sự "cởi mở" này là một bước tiến quan trọng, nhưng chính sách tỷ giá hối đoái ngày càng linh hoạt của PBOC là một bước tiến đáng chú ý hơn.
Trong năm 2015-2016, PBOC đã chi khoảng 1 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối của Trung Quốc để hỗ trợ đồng Nhân dân tệ mất giá. Hiện nay, PBOC không còn can thiệp thường xuyên vào thị trường tiền tệ và không đặt mục tiêu tỷ giá hối đoái.
Tính linh hoạt này đã ngày càng rõ rệt kể từ đầu năm 2018. Sau khi đạt đỉnh 6,26 nhân dân tệ so với đồng đô la Mỹ vào tháng 2 năm ngoái, đồng Nhân dân tệ đã giảm xuống còn 6,97 Nhân dân tệ vào cuối tháng 10, giảm 10%. Nó đã tăng trở lại và hiện ở mức khoảng 6,70 Nhân dân tệ.
Sự dao động từ đỉnh đến đáy của đồng Nhân dân tệ so với đồng đô la trong năm 2018 khi so sánh với các loại tiền tệ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) khác: đồng Euro (10%), Yên (9%) và bảng Anh (13%).
Tương tự, biến động hàng ngày của đồng Nhân dân tệ năm ngoái đạt 4,3% - khoảng 70% mức độ biến động của bốn loại tiền tệ SDR khác (bao gồm cả đồng đô la Mỹ). Và lần đầu tiên, đồng tiền Trung Quốc biến động mạnh hơn đồng đô la Singapore.
Mặc dù - hoặc vì – sự dao động tỷ giá hối đoái song phương, đồng Nhân dân tệ vẫn ổn định rộng rãi so với tổ hợp tiền tệ khác.
Chỉ số của Hệ thống Thương mại Ngoại hối Trung Quốc (CFETS), một nhóm 24 loại tiền tệ, bắt đầu và kết thúc năm ở ngưỡng khoảng 95. Điều này xảy ra với rất ít sự can thiệp của Ngân hàng trung ương.
Ngay cả Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng cho biết trong một báo cáo tháng 10 năm 2018 rằng sự can thiệp trực tiếp của PBOC năm ngoái đã bị "hạn chế" và doanh số ngoại hối của các ngân hàng nhà nước đã trở nên "khiêm tốn" hơn.
Một tỷ giá hối đoái linh hoạt hoạt động như một chất ổn định tự động theo hai cách thức. Thứ nhất, tỉ giá này đóng vai trò như một van an toàn đáp ứng và giảm bớt áp lực từ dòng vốn và nhu cầu toàn cầu.
Một cách gián tiếp và cơ bản hơn, tỷ giá hối đoái dựa trên thị trường giúp PBOC có nhiều cơ hội để sử dụng lãi suất và các công cụ chính sách tiền tệ khác, như tỷ lệ yêu cầu dự trữ ("RRR"), để giúp ổn định nền kinh tế. Điều này, theo đó, giúp ổn định đồng Nhân dân tệ.
Như một minh chứng về điều này, hãy nhìn lại năm 2018. Trong khi Fed tăng tỉ lệ lãi suất bốn lần trong năm, PBOC đã giải quyết bằng cách tăng năm điểm đột ngột vào tháng 3 và bốn lần giảm RRR như một phần của chính sách nhằm mục tiêu nới lỏng chu kỳ.
Bất chấp những cắt giảm này, đồng Nhân dân tệ vẫn chưa rơi tự do, như một số người có thể dự đoán: Giá trị hiện tại của nó so với đồng đô la Mỹ tương tự như vào giữa tháng 12 năm 2017, khi PBOC lần cuối theo Fed với tỷ lệ tăng năm điểm.
Khi đồng Nhân dân tệ ngày càng trở thành một loại tiền tệ trôi nổi hai chiều, kỳ vọng của thị trường đang thích ứng theo đó, và việc đặt cược một chiều dường như rủi ro hơn nhiều so với trước đây.
Ngược lại, việc trở lại với sự can thiệp của PBOC vào thị trường ngoại hối sẽ dẫn đến nảy sinh sự bất ổn. Khi các nhà hoạch định chính sách không cho phép điều chỉnh tỷ giá hối đoái, họ có nguy cơ châm ngòi một vòng xoáy bất ổn trong giảm dự trữ, ít tự tin hơn và hoảng loạn hơn.
Cuộc cách mạng thầm lặng mà Blinder mô tả năm 2004 đang được tiến hành ở Bắc Kinh. Thật vậy, PBOC có rất nhiều cơ hội để cải thiện hơn nữa trong các chính sách truyền tin và tỷ giá hối đoái. Nhưng tiến bộ được ghi nhận cho đến nay là tin tốt cho Trung Quốc và các nhà hoạch định chính sách quốc tế.