Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã xây dựng một hệ thống giám sát quy mô lớn bao gồm hàng triệu camera với phần mềm nhận dạng khuôn mặt đặt trên các cột đèn, bên ngoài các tòa nhà và đường phố.
Những công ty công nghệ có giá trị nhất của Trung Quốc đã tham gia vào những dự án này trên cả nước và đang xuất khẩu những công nghệ này sang những quốc gia khác trong quá trình mở rộng hoạt động toàn cầu.
Các công ty công nghệ Trung Quốc - đặc biệt là Huawei, Hikvision, Dahua và ZTE - cung cấp công nghệ giám sát trí tuệ nhân tạo tại 63 quốc gia, theo báo cáo tháng 9 của Tổ chức Carnegie vì hòa bình quốc tế. Trong số đó, 36 quốc gia đã ký kết với dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc - Sáng kiến Vành đai và Con đường (the Belt and Road Initiative). Huawei cung cấp công nghệ này cho nhiều quốc gia nhất.
Theo một phân tích của Viện Chính sách chiến lược Úc (ASPI), trong số này có các dự án "thành phố thông minh", bao gồm các công nghệ giám sát, đang được tiến hành ở các nước phương Tây, đặc biệt là ở các nước châu Âu như Đức, Tây Ban Nha và Pháp.
Các chuyên gia cảnh báo về một số rủi ro bao gồm cả khả năng truy cập dữ liệu của chính phủ Trung Quốc.
Theo bà Samantha Hoffman của ASPI, các công ty Trung Quốc sẽ phản bác rằng họ triển khai và cung cấp dịch vụ công nghệ này không phải vì mục đích tiêu cực, họ đang sử dụng nó theo cách được xã hội chấp nhận.
"Tuy nhiên, thực tế chúng ta không thể rất chắc chắn về điều này bởi sự khác biệt không phải là cách thức triển khai công nghệ, mà là ai có quyền truy cập vào dữ liệu mà họ thu thập." Dữ liệu giám sát đó có thể quay trở lại Trung Quốc và bị sử dụng với bất cứ mục đích nào mà họ lựa chọn, theo bà Hoffman.
Luật pháp và quy định của Trung Quốc
Bà Hoffman trích dẫn luật ở Trung Quốc buộc các công ty Trung Quốc phải bàn giao dữ liệu cho chính phủ, nếu được yêu cầu. Bà không cáo buộc Huawei đã làm sai, mà chỉ sử dụng công ty làm ví dụ.
Đầu năm nay, Giám đốc điều hành Huawei Ren Zhengfei cho biết ông chắc chắn sẽ nói "không" với bất kỳ yêu cầu nào từ Bắc Kinh đối với dữ liệu khách hàng.
"Tôi nghĩ rằng chúng ta không thể hiểu được hết quy mô của vấn đề mà chúng ta đang đối mặt khi nói đến công nghệ giám sát của Trung Quốc. Không chỉ là các quốc gia khác có thể sử dụng nó theo những cách tương tự, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng có thể "đính kèm" lợi ích của mình khi những công nghệ này được xuất khẩu, bà Hoffman nói thêm.
Ví dụ điển hình về hệ thống giám sát Trung Quốc là ở Tân Cương, nơi người thiểu số Duy Ngô Nhĩ bị đàn áp và đưa vào các trại giam giữ do cáo buộc vi phạm luật, mà theo Trung Quốc, là để chống lại chủ nghĩa cực đoan. Tổ chức Ân xá Quốc tế mô tả đây là một luật lệ hạn chế và phân biệt đối xử.
Bà Maya Wang, một nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, tập trung vào Tân Cương và các hoạt động giám sát ở đó. Bà cảnh báo về sự nguy hiểm của công nghệ giám sát Trung Quốc đối với các quốc gia độc tài.
Theo bà Wang, tương lai thậm chí có thể tồi tệ hơn nếu các chính phủ này áp dụng các công nghệ giám sát như một loại vũ khí kiểm soát người dân.
Đầu năm nay, một báo cáo của ASPI đã nhấn mạnh những lo ngại khác từ vấn đề xuất khẩu công nghệ giám sát của Trung Quốc, bao gồm việc có thể làm suy yếu các nền dân chủ. Trung Quốc có kế hoạch sử dụng công nghệ như một cách để vừa bảo vệ vừa mở rộng quyền lực của mình, trong nước và trên toàn cầu, theo bà Hoffman.
Phản ứng dữ dội
Công nghệ nhận dạng khuôn mặt đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội trên toàn thế giới.
Tháng trước tại Mỹ, các nhà lập pháp California đã cấm cảnh sát địa phương sử dụng phần mềm nhận dạng khuôn mặt trong body camera (một thiết bị quay nhỏ gọn có thể gắn lên cơ thể). Lệnh cấm hiện tại là tạm thời.
Đầu năm nay, Financial Times đã đưa tin rằng Ủy ban Châu Âu đang xem xét việc soạn thảo quy định mới về công nghệ. Vào tháng 1, Giám đốc điều hành Microsoft cũng cho biết ông rất ủng hộ các quy tắc mới về kiểm soát sử dụng nhận dạng khuôn mặt.
Financial Times cũng phát hiện ra rằng một nhà phát triển đã triển khai các camera nhận dạng khuôn mặt không công khai tại khu vực King’s Cross ở London. Điều này đã chịu sự chỉ trích từ cơ quan giám sát bảo vệ dữ liệu của Anh - tổ chức rất quan tâm đến việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt ngày càng tăng trong không gian công cộng.
Cũng tại Mỹ, Liberty - một nhóm vận động nhân quyền thay mặt cho một người tên là Ed Bridges – đang theo đuổi một vụ kiện chống lại cảnh sát South Wales liên quan đến việc sử dụng nhận dạng khuôn mặt. Đây là một trong những trường hợp đầu tiên trên thế giới về vấn đề này.
Ông Bridges tuyên bố rằng lực lượng cảnh sát đã quét khuôn mặt của ông và không có biện pháp bảo vệ pháp lý nào cho việc sử dụng công nghệ này.
Với ông Bridges, đây là hành vi xâm phạm quyền riêng tư. "Tôi là một công dân tuân thủ luật pháp, tôi không làm gì sai, tôi chỉ đang làm công việc của mình, nhưng cảnh sát lại lấy dữ liệu của tôi. Ai đang làm điều này? Vì mục đích gì?"
Các thẩm phán trong vụ kiện ra phán quyết chống lại Liberty và Bridges, và nói rằng chế độ pháp lý hiện tại là thỏa đáng, và việc sử dụng công nghệ này không vi phạm Đạo luật Nhân quyền.
Ông Bridges cho biết sẽ kháng cáo và cần sự ủng hộ từ công chúng. Theo ông, tất cả chúng ta đều có cuộc sống riêng và đó là lý do tại sao việc phản đối sử dụng công nghệ này lại quan trọng.
Giám sát và chiến tranh thương mại
Các công ty công nghệ Trung Quốc đang là tâm điểm chú ý trong chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, đã bị Mỹ đưa vào danh sách đen, hạn chế quyền truy cập vào công nghệ Mỹ. Washington đã gọi Huawei là rủi ro an ninh quốc gia, cho rằng thiết bị của họ có thể được Bắc Kinh sử dụng để làm gián điệp. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận những cáo buộc đó.
Vào thứ Hai, chính phủ Mỹ đã thêm 28 công ty/tổ chức Trung Quốc vào danh sách đen Entity List. Nhiều công ty công nghệ trí tuệ nhân tạo, sản xuất các thiết bị giám sát như Hikvision, Dahua, iFlytek, Megvii, SenseTime, Yitu Technologies… cũng nằm trong danh sách bổ sung này.