Chính phủ Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước tránh công tác vào Mỹ và những quốc gia đồng minh của nước này, và tăng cường các biện pháp phòng ngừa nhằm bảo vệ thiết bị làm việc trong trường hợp phải đi, hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thân cận cho biết.
Vài tuần gần đây, Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản thuộc Sở hữu nhà nước Trung Quốc (SASAC) - giám sát hơn 800 doanh nghiệp quốc doanh, đã yêu cầu các công ty chỉ mang theo laptop đảm bảo an toàn do công ty cung cấp để sử dụng tại Mỹ trong trường hợp cần thiết phải thực hiện chuyến công tác. Cơ quan này cho biết cảnh báo trên được mở rộng ra các quốc gia thuộc liên minh chia sẻ tình báo Five Eyes với Mỹ gồm Anh, Canada, Australia và New Zealand.
SASAC cũng yêu cầu các công ty phải xác minh tài liệu mà nhân viên của mình mang theo trong chuyến công tác và chỉ lưu trữ trong các USB an toàn. Nguồn tin của Bloomberg cũng cho biết SASAC không đưa ra quy định về thời gian của chuyến công tác.
Lãnh đạo các công ty Mỹ và Trung Quốc đang trở nên cảnh giác hơn sau khi giám đốc tài chính Meng Wanzhou của Huawei bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Mỹ tháng 12 năm ngoái và vụ 2 công dân Canada bị bắt giữ tại Trung Quốc sau đó. Phía Mỹ cũng nỗ lực bắt và truy tố lãnh đạo của các công ty Trung Quốc với cáo buộc đánh cắp công nghệ.
Mới đây, công ty Trung Quốc Fujian Jinhua Integrated Circuit Co. và đối tác tại Đài Loan United Microelectronics Corp. là những doanh nghiệp đầu tiên bị truy tố theo sáng kiến mới của Bộ Tư pháp Mỹ. Các công ty này phủ nhận tội trạng, còn chính phủ Trung Quốc liên tục phủ nhận đánh cắp bí mật thương mại.
Bà Meng của Huawei bị buộc tội âm mưu thực hiện các giao dịch vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ với Iran. Cáo buộc này được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tìm cách hạn chế các công ty viễn thông Trung Quốc thống trị mạng 5G tại nước này.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Canada cũng leo thang sau khi một tòa án Trung Quốc ngày 14/1 tuyên án tử hình đối với một công dân Canada sau khi người này kháng cáo bản án 15 năm tù trước đó. Động thái này khiến Canada khuyến cáo công dân "đề cao cảnh giác tại Trung Quốc" bởi việc "thực thi pháp luật một cách tùy tiện" tại nước này.
Ngay sau đó, Bắc Kinh cũng phát đi cảnh báo, khuyên công dân nên "đánh giá đầy đủ các rủi ro khi đi du lịch Canada", sau khi một công dân Trung Quốc bị bắt giữ "một cách tùy tiện" tại đây theo yêu cầu của một nước thứ 3.
"Miễn là người nước ngoài, bao gồm công dân Canada, tuân thủ pháp luật (Trung Quốc), họ sẽ được đảm bảo tự do và an toàn", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying nói với phóng viên ngày 15/1. "Canada, chứ không phải Trung Quốc, mới là nước tùy tiện bắt giữ công dân nước ngoài dưới vỏ bọc luật pháp".