Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1 có công suất 1.500MW, quy mô diện khoảng 148 ha, được BQL Khu kinh tế Quảng Trị chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư vào tháng 10/2021.
Chủ đầu tư của dự án gồm tổ hợp nhà đầu tư là Tổng công ty Năng lượng Hanwha (HEC, Hàn Quốc), Tổng công ty Khí Hàn Quốc (KOGAS), Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO) và Tập đoàn T&T.
Dự án được quy hoạch xây dựng tại địa phận hai xã Hải An và Hải Ba (huyện Hải Lăng), nằm trong khu phức hợp năng lượng của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Trong giai đoạn 1, dự án sẽ xây dựng Trung tâm kho cảng LNG Hải Lăng có khả năng tiếp nhận tàu chở LNG từ 170.000-226.000 m3, công suất tiếp nhận 1,5 triệu tấn LNG/năm và Trung tâm điện lực Hải Lăng (giai đoạn 1) có công suất phát điện 1.500 MW. Theo kế hoạch, dự án sẽ được đưa vào vận hành thương mại vào năm 2026 - 2027.
Theo báo cáo của BQL Khu kinh tế Quảng Trị cho biết, hiện nay dự án đã được UBND huyện Hải Lăng phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và cấp giấy phép xây dựng phần hạ tầng kỹ thuật với hạng mục san nền. Cùng với đó, dự án đang được Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị hướng dẫn nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Về công tác giải phóng mặt bằng, theo tính toán, để triển khai toàn bộ dự án (148ha), sẽ có hơn 296 hộ dân tại địa phương buộc phải di dời nhà cửa, tài sản để tái định cư nơi ở mới.
Trong tháng 6/2022 vừa qua, CTCP Tập đoàn T&T cũng đã tiến hành bàn giao mốc giới giải phóng mặt bằng dự án cho Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư dự án, để triển khai các bước tiếp theo.
Cũng theo BQL Khu kinh tế Quảng Trị, tính từ tháng 12/2021 đến nay, UBND huyện Hải Lăng cũng đã ra 4 quyết định thu hồi đất với tổng diện tích 145,8ha. Trong đó, lần thứ nhất thu hồi 1,56ha, lần thứ hai là 79,6ha, lần thứ ba là 63,6ha và lần mới đây nhất trong tháng 9 là gần 1ha.
Ông Trần Quang Trung, Phó Trưởng BQL Khu kinh tế Quảng Trị cho biết, hiện nay công tác bàn giao mặt bằng dự án gặp rất nhiều khó khăn, khó đáp ứng tiến độ đã được đề ra là phải hoàn thành vào ngày 31/12/2022.
"Do dự án có phạm vi thu hồi đất xây dựng khá lớn, ảnh hưởng nhiều thửa đất, nhiều hộ dân phải di dời nhà cửa, tái định cư, nhiều lăng tẩm mồ mả cũng phải di dời nên mất nhiều thời gian cho công tác đo đạc, quy chủ, kiểm đếm tài sản. Trong khi đó, yêu cầu về mặt tiến độ bàn giao mặt bằng cho dự án hiện nay là rất gấp rút. Đồng thời, tại huyện Hải Lăng lúc này cũng đang có nhiều dự án trọng điểm khác đồng loạt triển khai mà cán bộ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng quá mỏng nên khó đáp ứng được tiến độ theo chỉ đạo từ trên", ông Trung thông tin.
Một vướng mắc nữa tại dự án đó là hiện nay Tổ hợp nhà đầu tư chưa lập xong doanh nghiệp dự án theo quy định của pháp luật mặc dù Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị đã có văn bản hướng dẫn nhà đầu tư từ tháng 2/2022.
Theo ông Trần Quang Trung cho biết, việc chưa thể thành lập doanh nghiệp dự án là do trong tổ hợp các nhà đầu tư có 2 doanh nghiệp nước ngoài là KOGAS và KOSPO là công ty vốn nhà nước. Trước khi thành lập doanh nghiệp dự án nước ngoài với số vốn trên 50 triệu USD, cả 2 doanh nghiệp này phải được Chính phủ Hàn Quốc thẩm định và phê duyệt.
"Hiện tại dự án đang tiến hành làm báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) theo quy định của Việt Nam, sau đó tiến hành các thủ tục báo cáo FS theo quy định của Chính phủ Hàn Quốc và báo cáo Chính phủ nước này. Sau khi được Chính phủ Hàn quốc phê duyệt, 2 công ty trên mới được phép góp vốn thành lập doanh nghiệp thực hiện dự án", ông Trung thông tin thêm.
Được biết, hiện nay Tổ hợp nhà đầu tư dự án cũng đã đề xuất UBND tỉnh Quảng Trị các phương án điều chỉnh tổng mặt bằng dự án. Trong đó, điều chỉnh vị trí mặt bằng xây dựng các hạng mục của dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 và quy hoạch mặt bằng cho giai đoạn 2.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, UBND tỉnh đang giao Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh chủ trì phối hợp các sở, ngành, địa phương xem xét, rà soát các phương án điều chỉnh tổng mặt bằng dự án đảm bảo phù hợp quy hoạch chung của tỉnh.
Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu Tổ hợp nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện các báo cáo về nghiên cứu khả thi dự án, đánh giá tác động môi trường và các hồ sơ, thủ tục liên quan; Phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và huyện Hải Lăng thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, ký quỹ đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, thu hồi đất tái định cư theo đúng quy định để sớm triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ cam kết.