Ngày 5/10, ngày làm việc thứ 4, Hội nghị 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã thảo luận về Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương.
Cụ thể, buổi sáng Trung ương làm việc tại tổ thảo luận về quy định trên và bàn về việc thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội 13 của Đảng. Buổi chiều, các địa biểu làm việc tại hội trường và tiếp tục thảo luận hai nội dung trên.
Dự thảo Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là uỷ viên Bộ Chính trị, uỷ viên Ban Bí thư, uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương gồm 4 điều. Trong đó, điều 2 có quy định các Uỷ viên chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín; để địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ chính trị, hoặc xảy ra mất đoàn kết kéo dài; cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý bằng pháp luật.
Điều 3 quy định các cán bộ cấp cao phải gương mẫu và kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; công tác cán bộ; tham nhũng chính sách; tham vọng quyền lực, lạm quyền, lộng quyền; “lợi ích nhóm”; tham nhũng, hối lộ; chạy chức, chạy quyền; để người nhà, người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi…
Hội nghị Trung ương 8 khai mạc ngày 2/10. (Ảnh: TTXVN)
Bốn tiêu chí nêu gương với cán bộ
Trả lời VTC News, Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng ban thường trực, Ban tổ chức Trung ương nhận định, quy định nêu gương cán bộ đã có từ lâu nhưng lần này mới được nâng tầm đưa lên Trung ương. Việc này thể hiện vai trò trách nhiệm của Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư trong thời kỳ mới, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng quan hệ quốc tế, thực hiện cơ chế thị trường.
Ông Thưởng nêu lên bốn tiêu chí nêu gương đối với cán bộ. Thứ nhất, phải là người trung thành với Tổ quốc và nhân dân, với Đảng. Hiện nay có nhiều cán bộ trong cơ quan, trong tổ chức nói một đằng mà ra ngoài nói một nẻo.
Thứ hai, phải biểu hiện ra hành động, giao việc gì phải làm tốt việc đấy, gương mẫu trong công việc.
Thứ ba, quan hệ trong quần chúng nhân dân, gần gũi sâu sát, lắng nghe ý kiến mọi người.
Thứ tư, đạo đức phải trong sáng. “Đạo đức của cán bộ thế nào dân họ biết hết", ông Thưởng nói.
Ngày mai, Bộ Chính trị tiếp thu giải trình các ý kiến góp ý thảo luận, sau đó Ban chấp hành Trung ương sẽ biểu quyết thông qua.
Trong bài khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Nhờ đó, ý thức trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên đã từng bước được nâng lên, tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ.
Tuy nhiên, kết quả thu được còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.