Thị trường taxi lo ngại độc quyền khi chỉ còn Grab. |
Sáng 26/3 Grab Việt Nam đã phát đi thông cáo chính thức cho biết đã thâu tóm Uber tại Đông Nam Á. Uber được 27,5% cổ phần trong Grab, tương ứng với thị phần của mỗi công ty. Trong ngày, các tài xế Uber cũng nhận thông báo họ được chuyển sang hoạt động với ứng dụng của Grab từ ngày 8/4.
Thông tin này khiến dư luận xôn xao. Trong khi người tiêu dùng lo vì giảm bớt cơ hội đi taxi giá rẻ thì taxi truyền thống lại lo họ sẽ lao đao hơn nữa.
Taxi truyền thống lao đao
Grab và Uber cùng xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2014. Cho tới nay, taxi công nghệ luôn gây ra những cuộc tranh cãi gay gắt, chưa có hồi dứt. Khi Grab thâu tóm Uber, dù nhiều dự báo đã được đưa ra nhưng có một điều chắc chắn, cả Grab và Uber đã khiến taxi truyền thống lao đao suốt thời gian qua.
Chỉ tính ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, đã có tổng cộng gần 100 hãng taxi lớn nhỏ. Một vài thương hiệu khác cũng xuất hiện ở tỉnh lẻ nhưng thị phần không đáng kể. Trước đây Mai Linh, Vinasun là hai tên tuổi lớn nhất ở Hà Nội và TP.HCM với thị phần vượt trội. Vì vậy, khi “cơn bão” Grab, Uber xuất hiện, Mai Linh và Vinasun chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) công bố báo cáo tài chính từ năm 2007. Kể từ đó tới 2013 - một năm trước khi Uber xuất hiện, Vinasun có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và doanh thu hàng năm khá tốt. Còn tính tổng chu kỳ 7 năm này, doanh thu tăng 2.671 tỷ đồng, tương ứng 5,5 lần lên 3.158 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 171 tỷ đồng, tương ứng 3,2 lần lên 224 tỷ đồng.
Tới năm 2015, áp lực tạo từ Grab và Uber đã rõ nét. Nhưng do chưa “ngấm” khó khăn nên Vinasun vẫn duy trì được đà tăng trưởng dương của cả doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, 2017 trở thành năm u ám của Vinasun khi các chỉ tiêu kinh doanh đều đi lùi thảm hại.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2017 của Vinasun, doanh thu năm 2017 của công ty chỉ đạt 2.937 tỷ đồng, giảm 1.583 tỷ đồng, tương ứng 54%; lợi nhuận sau thuế 2017 đạt 190 tỷ đồng, giảm 121 tỷ đồng, tương ứng 64,7% so với năm 2016.
Tới nay, Mai Linh mới công bố báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017. Nhưng báo cáo này cũng cho thấy sự đi xuống của Mai Linh. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận giảm sâu chỉ còn 1.731 tỷ đồng và 20 tỷ đồng.
Đổ lỗi cho Uber, Grab
Trước sự tuột dốc này, Vinasun đã đổ lỗi cho Uber và Grab. Thậm chí, Vinasun còn vác đơn đi kiện.
Trong khi đó, năm 2017, trong thông điệp gửi các cổ đông mới công bố, ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh, đã nhắc đến Uber và Grab như một trong số những nguyên nhân chính khiến 2016 trở thành một năm khó khăn của Mai Linh.
Theo ông Hồ Huy, Uber và Grab đã khiến thị trường taxi cạnh tranh khốc liệt, trong đó sự bất bình đẳng về thuế và các điều kiện kinh doanh khác đã gây thiệt hại lớn cho doanh thu của Mai Linh cũng như các hãng taxi truyền thống khác.
Cùng với Mai Linh, Vinasun, nhiều hãng taxi truyền thống khác như Ba Sao, Thanh Nga, Thủ đô... đều gặp rất nhiều khó khăn. Taxi Group là trường hợp ngoại lệ. Do nhanh chóng bắt chước áp dụng công nghệ và đào tạo lái xe bài bản, Taxi Group vẫn chống chọi được trong “cơn bão” Grab, Uber.
Vật vã chống đỡ
Grab thâu tóm Uber có nghĩa là trên thị trường sẽ mất đi một đối thủ cạnh tranh. Nhưng không vì thế mà các taxi truyền thống vui mừng. Ngược lại, đã có ý kiến cho rằng thông tin này sẽ khiến tình hình có thể tệ hơn.
Ông Trương Đình Quý, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM kiêm Phó Tổng Giám đốc Vinasun, nhận định tình hình sẽ càng nguy hiểm hơn vì giờ đây Grab đang ở vị trí thống lĩnh thị trường và đi gần đến độc quyền. Bên cạnh đó, Grab còn có tiềm lực tài chính mạnh khiến họ có thể sử dụng chiến lược giá hủy diệt, rất nguy hiểm với doanh nghiệp Việt Nam.
Lo ngại của ông Quý không phải không có cơ sở khi cả Vinasun và Mai Linh đã co cụm tới mức… bàng hoàng. Báo cáo tài chính quý 2/2017 của Vinasun khiến dư luận sốc khi Vinasun cho biết công ty đã cắt giảm gần 8.000 nhân sự xuống chỉ còn 9.179 người.
Cắt giảm nhân sự cũng là tình trạng diễn ra ở Mai Linh. Tại thời điểm cuối quý 2/2017, tổng số nhân viên của Mai Linh chỉ còn gần 24.000 người, giảm gần 6.000 người (tương đương 20%) so với thời điểm cuối năm 2016.
Khi cuộc tranh cãi về Uber và Grab chưa có hồi kết, taxi truyền thống phải chấp nhận sự thật taxi công nghệ đang có rất nhiều lợi thế so với taxi truyền thống. Trước khi được “bảo vệ”, taxi truyền thống phải tự “cứu” mình. Cả Mai Linh, Vinasun và Taxi Group đều áp dụng chính sách “thẻ quẹt”.
Nghĩa là các hãng này hợp tác với nhiều công ty mở thẻ taxi cho cán bộ, công nhân viên. Hình thức này mang lại khoản thu không nhỏ. Năm 2017, Vinasun nhận được 279 tỷ đồng từ doanh thu cung cấp dịch vụ vận tải theo hợp đồng, tăng mạnh so với con số 68 tỷ đồng năm 2016.
Còn Mai Linh lại chống đỡ bằng… xe ôm. Hồi tháng 11/2017, Mai Linh ra mắt xe ôm công nghệ với tên gọi Mai Linh Bike. Thời gian đầu, Mai Linh Bike khiến cộng đồng mạng chú ý vì đích thân ông Chủ tịch HĐQT Hồ Huy đích thân làm xe ôm để thử dịch vụ.
Có thể thấy, các hãng taxi truyền thống đã và đang rất cố gắng trong cuộc cạnh tranh được đánh giá là “bất bình đẳng” này. Và khi Grab thâu tóm Uber, cuộc cạnh tranh được dự báo sẽ trở nên khốc liệt hơn.
Việt Nam cùng với Malaysia và Singapore yêu cầu Grab nộp báo cáo “thâu tóm” Uber Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương Việt Nam đã có công văn hỏa tốc yêu cầu Grab cung cấp thông tin và toàn bộ hợp đồng hãng này mua lại Uber tại Đông Nam Á trong vòng bảy hôm, tức trước ngày 3/4/2018. Công văn hỏa tốc được gởi đi chiều ngày 27/3 được dựa trên chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh được quy định tại khoản 2, Điều 7 Luật Cạnh tranh. Theo đó, Bộ Công thương có nhiệm vụ kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế (hay thâu tóm quyền lực) diễn ra trên thị trường. Luật Cạnh tranh hạn chế những trường hợp mua bán và sáp nhập (M&A) có ảnh hưởng lớn đến sự cạnh tranh trên thị trường. Trong trường hợp Grab mua lại Uber tại Đông Nam Á, cả hai ứng dụng gọi xe này phải gửi thông báo đến cơ quan quản lý cạnh tranh của Việt Nam về tình trạng cạnh tranh trước và sau khi mua bán. Nếu Cục Quản lý cạnh tranh thấy không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng không đáng kể hoặc ảnh hưởng đáng kể nhưng rơi vào một số trường hợp miễn trừ, thì thương vụ mới được phép tiến hành. Điều 22 của Luật Cạnh tranh quy định trong thời hạn 45 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận đầy đủ hồ sơ, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp là thương vụ có thuộc trường hợp cấm hay không và nêu rõ lý do bị cấm. Trong một động thái tương tự, Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Nancy Shukri cho biết chính phủ nước này sẽ có hành động pháp lý nếu Grab tăng giá cước sau khi “nuốt” Uber theo Đạo luật Cạnh tranh năm 2010 của Malaysia. Bà Nancy nói với kênh truyền hình Channel News Asia rằng “đã gặp Grab vào ngày 26/3 và công ty đảm bảo sẽ không thay đổi giá”. Uỷ ban quản lý cạnh tranh Singapore cũng yêu cầu Grab, Uber gửi báo cáo chi tiết về thỏa thuận mua lại giữa hai doanh nghiệp này. Đại diện của cơ quan này nói họ có quyền xem lại bất kỳ thương vụ sáp nhập hay mua lại nào nếu ảnh hưởng cạnh tranh trên thị trường. Hồ Thảo |
Tùng Lâm