Các nhà nhập khẩu tư nhân Trung Quốc mua hơn 600.000 tấn đậu nành, giao dịch lớn nhất trong hơn một năm qua, dự kiến sẽ được vận chuyển từ các cảng xuất khẩu Tây Bắc Thái Bình Dương của Mỹ từ tháng 10 đến tháng 12.
Những giao dịch này là một dấu hiệu cho thấy căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh có thể hạ nhiệt sau khi giảm xuống mức thấp vào tháng trước khi Trung Quốc ngừng mua nông sản của Mỹ để đối phó với mối đe dọa của Tổng thống Donald Trump về việc tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.
Giá đậu tương kỳ hạn giao sau chuẩn trên sàn giao dịch Chicago đã nhảy vọt lên mức cao nhất trong một tháng vào thứ Năm.
Bắc Kinh trong tuần này đã thông báo sẽ mua lại nông sản của Mỹ như thịt lợn và đậu nành, mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp có giá trị nhất của Mỹ. Mua sản phẩm nông nghiệp với số lượng lớn là điều kiện chính của Mỹ cho một thỏa thuận thương mại, nhưng hai bên vẫn xa cách trong những vấn đề khác.
Các giao dịch đậu nành vào thứ Năm là lớn nhất kể từ khi Bắc Kinh tăng thuế nhập khẩu 25% đối với đậu nành của Mỹ vào tháng 7/2018 để trả đũa thuế của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc. Mức thuế đã tăng thêm 5% trong tháng này.
Các giao dịch mua đậu nành khác trong năm qua đã được thực hiện gần như độc quyền bởi các công ty nhà nước Trung Quốc được miễn thuế nhập khẩu quá cao.
Vào tháng Bảy, Bắc Kinh đã đề nghị miễn thuế nhập khẩu cho đậu nành Mỹ cập cảng vào cuối năm nay cho 5 nhà máy nghiền tư nhân, nhưng rất ít giao dịch diễn ra trước khi việc thu mua bị ngừng lại.
Trước đó vào thứ Năm, Bắc Kinh cho biết các công ty Trung Quốc đang tìm hiểu về giá cả hàng hóa nông nghiệp.
"Tôi rất ấn tượng rằng ngày Trung Quốc thừa nhận lợi ích thương mại của họ để quay trở lại và mua hàng từ Mỹ, chúng tôi đã bán chúng ngay lập tức", Jack Scoville, phó chủ tịch của Tập đoàn Price Futures tại Chicago cho biết. "Rõ ràng, họ đã cố gắng thể hiện những gì họ có thể làm nếu hai bên quay lại với mối quan hệ thương mại bình thường."
Cũng trong ngày thứ Năm, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) báo cáo Trung Quốc đã mua 10.878 tấn thịt lợn của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 5/9, nhiều nhất trong một tuần kể từ tháng Năm.
Tình trạng thiếu thịt lợn ở Trung Quốc do dịch tả lợn châu Phi bùng phát, khiến đàn lợn giảm 1/3 kể từ khi dịch lan đến nước này hơn một năm trước. Do đó, Trung Quốc sẵn sàng thu mua một số lượng thịt lợn từ Mỹ bất chấp mức thuế 72%.
Xuất khẩu đậu nành của Mỹ sang Trung Quốc - nhà nhập khẩu hàng đầu thế giới, đã giảm mạnh trong bối cảnh tranh chấp thương mại với nguồn cung tăng lên đẩy giá xuống mức thấp trong gần một thập kỷ và nông dân Mỹ đang vật lộn để kiếm lợi nhuận.
Trung Quốc chủ yếu chuyển sang nhập đậu nành của Nam Mỹ từ khi chiến tranh thương mại bắt đầu. Doanh số bán đậu nành của Mỹ sang Trung Quốc năm 2018 đã giảm 74% so với năm trước xuống mức thấp nhất 16 năm.